Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, TS. Nguyễn Đại Minh – Viện trưởng IBST; ông Jeong Yeoncho – Phó Chủ tịch Cty Hyundai Steel; GS Lee GangMin – Viện Kết cấu thép Hàn Quốc cùng các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đại Minh – Viện trưởng IBST cho biết: “Xu hướng chung của việc thiết kế công trình chịu động đất là vừa đảm bảo an toàn cho người và công trình, ngoài ra còn phải đáp ứng các yêu cầu về kinh tế. Chính vì vậy, tính dẻo và tiêu tán năng lượng của kết cấu, cấu kiện được đặc biệt quan tâm. Do đó, việc sử dụng hợp lý các giải pháp về vật liệu, về thiết kế cho công trình trong vùng có động đất là rất quan trọng.
Đối với thép và kết cấu thép kháng chấn (có thể chịu động đất) sử dụng cho công trình xây dựng là một xu hướng của thị trường hiện nay. Thép và kết cấu thép kháng chấn không những có được các đặc tính riêng của thép mà còn có những đặc điểm riêng về độ dẻo lớn, độ bền cao khi chịu tải trọng lặp đi lặp lại đổi chiều, rất phù hợp với công trình xây dựng trong vùng có động đất, đặc biệt là công trình công nghiệp và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác”.
Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Viện IBST và Hội Kết cấu thép Hàn Quốc tạo cơ hội phát triển trong lĩnh vực xây dựng nói chung và kết cấu thép nói riêng.
Cũng tại hội thảo, ông Jeong Yeoncho – Phó Chủ tịch Cty Hyundai Steel chia sẻ: Cty Hyundai Steel là đầu tàu trong việc sản xuất thép kháng chấn và có nhiều sản phẩm thép kháng chấn khác nhau. Hy vọng thông qua hội thảo sẽ đưa sản phẩm của Cty đến gần hơn với thị trường Việt Nam, tạo được niềm tin đối với khách hàng Việt.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết: Mặc dù động đất ở Việt Nam thường không xảy ra nhiều và không có cường độ lớn, tuy nhiên đây là vấn đề mà chúng ta phải hết sức quan tâm trong bối cảnh khí hậu môi trường biến động. Bộ Xây dựng rất quan tâm đến việc nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc tế công trình kháng chấn vì liên quan trực tiếp đến an toàn cho người và tài sản, tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế công trình động đất...
Thứ trưởng cho biết thêm, đối với việc sử dụng thép kháng chấn trong công trình xây dựng ở Việt Nam cũng được Bộ Xây dựng quan tâm khuyến khích áp dụng tuy nhiên, cần phải nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Bộ Xây dựng rất hoan nghênh các đơn vị, doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là Cty Hyundai Steel nghiên cứu hợp tác, chuyển giao, giúp đỡ thúc đẩy việc sử dụng thép kháng chấn ở Việt Nam.
Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Viện IBST và Hội Kết cấu thép Hàn Quốc.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã từng ghi nhận 2 trận động đất lớn là trận động đất ở Điện Biên (năm 1935) với cường độ 6,9 độ Richter xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận thứ hai là động đất ở Tuần Giáo (năm 1983) với cường độ 6,8 độ Richter xảy ra trên đới đứng gẫy Sơn La. Cả hai trận động đất này đã gây những thiệt hại về người, nhà và công trình ở khu vực bị động đất. Nhưng năm gần đây, tần suất xảy ra động đất ở nước ta ngày càng nhiều tuy nhiên các trận động đất thường không lớn, không gây ra nhiều thiệt hại nhưng làm ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của người dân ở những địa điểm xảy ra động đất.
Hội thảo khoa học về sử dụng thép kháng chấn trong công trình xây dựng ở Việt Nam, được tổ chức ngoài mục đích thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về thiết kế công trình chịu động đất mà còn giới thiệu về việc sử dụng thép khác chấn trong xây dựng ở Việt Nam. Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy thị trường thép xây dựng; tạo môi trường kết nối giữa nhà sản xuất – đơn vị cung cấp – nhà thầu thi công – chủ đầu tư, gắn kết cung cầu đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì kết cấu thép là loại hình thi công nhanh, kiểm soát chất lượng tốt và ít ô nhiễm môi trường hơn so với kết cấu bê tông.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)