Trong đó, dự án thân thiện với môi trường, khí hậu nhất có mức độ carbon là 0, thậm chí ở mức âm, tức là dự án này loại bỏ được lượng CO2 gần bằng hoặc nhiều hơn những gì nó thải ra khí quyển trong suốt tuổi thọ dự kiến.
Để làm được điều này, các dự án phải sử dụng vật liệu sinh học cô lập carbon, áp dụng nguyên tắc thiết kế tuần hoàn và ứng dụng công nghệ tái tạo, thụ động để sưởi ấm, làm mát và tạo năng lượng. Những công trình này không chỉ giảm thiểu lượng khí thải trong quá trình vận hành mà còn cả lượng carbon từ vật liệu và quá trình xây dựng.
Ngôi nhà Tecla ở Italy do Mario Cucinella Architects và WASP thiết kế
Đất sét thô bản địa được in 3D thành 350 lớp để tạo thành ngôi nhà mẫu này. Nói cách khác, ngôi nhà là sự kết hợp giữa kỹ thuật xây dựng cổ xưa với công nghệ hiện đại.
Đất sét giúp cho căn nhà có khả năng cách nhiệt tự nhiên và có thể được tái chế nhiều lần. Căn nhà này được xây dựng với mục đích cung cấp nơi ở khẩn cấp với chi phí thấp cho những người tị nạn khí hậu mà không góp phần làm trái đất nóng lên.
Trung tâm Sara Kulturhus ở Thụy Điển do White Arkitekter thiết kế
Trung tâm văn hóa ở Skellefteå do White Arkitekter thiết kế này là tòa tháp bằng gỗ cao thứ hai thế giới. Với kết cấu gỗ, công trình này cô lập được nhiều carbon hơn những gì nó thải ra trong suốt thời gian tồn tại.
Được Hội đồng Công trình Xanh Vương quốc Anh vinh danh là "dự án bền vững mẫu mực", khu phức hợp âm carbon này được sưởi ấm nhờ một máy bơm địa nhiệt, lấy điện từ "vườn" pin mặt trời rộng 1.200m2 và điện tái tạo từ lưới điện.
The Arc ở Indonesia do Ibuku thiết kế
The Arc là phòng tập thể dục của Green School ở Bali. Công trình sử dụng thân cây tre được uốn thành vòm cao 14 mét để tạo thành mái cong kép có khả năng tự chống đỡ. Các lỗ thông hơi trên đỉnh cho phép không khí ấm thoát ra ngoài, còn các lỗ hở xung quanh phần đế lại giúp thông gió tự nhiên. Với thiết kế như vậy, công trình này hoàn toàn không cần sử dụng điều hòa dù nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới.
Tòa nhà Kendeda tại Mỹ do Miller Hull Partnership và Lord Aeck Sargent thiết kế
Được làm bằng các vật liệu như gạch xây tái chế và gỗ từ các cảnh phim bị bỏ đi, tòa nhà gỗ khối này được sử dụng vừa là trung tâm học tập vừa là công cụ giảng dạy để giáo dục sinh viên của Học viện Công nghệ Georgia tại Atlanta về thiết kế bền vững.
Được mô tả là "tòa nhà tái tạo", Kendeda sản xuất ra nhiều điện hơn nhờ mái che quang điện và tái chế nhiều nước hơn lượng nước nó sử dụng. Nước mưa sau khi được thanh lọc sẽ được sử dụng ở bồn rửa và vòi hoa sen. Từ đây, nước đã qua sử dụng sẽ được xử lý lần nữa để dùng làm nước tưới cây cho khu vực gần đó.
Serpentine Pavilion 2021 tại Anh do Counterspace thiết kế
Studio Counterspace (Nam Phi) thiết kế Serpentine Pavilion 2021 theo ý tưởng kết hợp không gian công cộng của các cộng đồng dân di cư khác nhau sống xung quanh London. Công trình này sử dụng ván gỗ ép bọc xung quanh khung thép được hoàn thiện bằng các tấm vỏ nhuộm màu đen của thân cây sồi.
Dự án này bị chỉ trích vì sử dụng bê tông, một loại vật liệu phát thải nhiều carbon, cho phần móng. Tuy nhiên, một báo cáo của công ty tư vấn hạ tầng hàng đầu thế giới AECOM cho biết Serpentine Pavilion vẫn giúp loại bỏ được 31 tấn khí carbon khỏi khí quyển nhờ sử dụng các vật liệu sinh học khác. Vì vậy, đây vẫn là công trình có mức phát thải khí carbon dưới 0.
Glyndebourne Croquet Pavilion tại Anh do BakerBrown Studio thiết kế
Glyndebourne Croquet Pavilion là một công trình nằm trong khuôn viên nhà hát opera Glyndebourne và hoạt động bằng năng lượng gió. Công trình này sử dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu lượng khí thải carbon. Việc sử dụng các phế liệu của địa phương và một thiết kế có thể đảo ngược cho phép công trình này dễ dàng tháo rời và các bộ phận sau đó có thể được tái sử dụng.
Thân của các cây tần bì bị bệnh được tận dụng để tạo nên kết cấu của Glyndebourne Croquet Pavilion, với phần bên trong được ốp bằng nút chai sâm panh bị vứt đi và bên ngoài được ốp bằng gạch làm từ vỏ sò và tôm hùm thải loại.
Giáo đường Hồi giáo Cambridge tại Anh do Marks Barfield Architects thiết kế
Công trình này có tên trong danh sách đề cử cho Giải thưởng Stirling năm 2021. Giáo đường Cambridge dùng gỗ làm vật liệu lưu giữ carbon để tạo thành các bức tường và trụ cột kết cấu. Các trụ cột được thiết kế xòe ra ở bên trên, tạo thành hình bát giác để giữ mái nhà chắc chắn hơn.
Nơi thờ phượng này được chiếu sáng và thông gió tự nhiên quanh năm. Năng lượng từ các tấm pin mặt trời đủ để đáp ứng nhu cầu làm mát, đun nóng nước dùng cũng như 13% hệ thống sưởi. Trong khi đó, nước mưa được thu lại để sử dụng cho nhà vệ sinh.
Living Landscape ở Iceland do Jakob+MacFarlane and T.ark thiết kế
Nằm ở khu vực trước đây là bãi rác tại Reykjavik, tòa nhà đa công năng này được khởi công vào năm nay để trở thành một trong 49 dự án phát triển đô thị không phát thải. Dự án là một phần của cuộc thi Reinventing Cities do mạng lưới toàn cầu C40 Cities tổ chức.
Việc sử dụng kết cấu gỗ ép chéo làm sẵn giúp công trình này giảm gần 80% lượng khí thải carbon so với một tòa nhà bê tông thông thường. Lượng khí phát thải khi vận hành của tòa nhà cũng được giảm xuống mức tối thiểu nhờ hệ thống thu hồi nhiệt lượng thải, cách nhiệt hoàn toàn và nguồn điện tái tạo.
Exploded View Beyond Building ở Hà Lan do Biobased Creations thiết kế
Công trình này sử dung vải dệt từ rong biển, gạch được in 3D từ bùn thải và vật liệu cách nhiệt được làm từ lau sậy… Biobased Creations sử dụng 100 vật liệu sinh học khác nhau để xây dựng ngôi nhà này.
Tất cả thành phần, bao gồm cả khung gỗ, đều có thể tháo rời và đã có sẵn trên thị trường hoặc sắp ra mắt. Điều này để chứng tỏ các vật liệu có nguồn gốc thực vật là một lựa chọn khả thi cho các dự án xây dựng nhà ở mới.
Campo Urbano ở Italy do Arney Fender Katsalidis thiết kế
Một khu đường sắt không còn được sử dụng ở Rome sẽ được chuyển đổi thành khu dân cư carbon thấp. Đây là một phần trong dự án tái thiết của Arney Fender Katsalidis nhằm cải tạo cũng như xây dựng các tòa nhà bằng vật liệu sinh học có thể tái sử dụng và vận hành bằng hỗn hợp năng lượng sinh khối và điện mặt trời áp mái.
Ý tưởng của dự án này là thiết kế một khu dân cư không có ô tô vì mọi người có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày chỉ bằng đi bộ hoặc đạp xe một quãng đường ngắn.
VLXD.org (TH/ Dezeen)