Đối với Việt Nam, việc sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên đang ngày càng cấp thiết nhằm tiết kiệm tài nguyên cát, một loại tài nguyên khó có khả năng tái tạo.
Trên thực tế, nguyên liệu để làm cát nhân tạo rất dồi dào, bất cứ loại đá nào có cường độ tốt, ổn định, có thể dùng làm nguyên vật liệu xây dựng đều có thể làm nguyên vật liệu để sản xuất cát nhân tạo như đá vôi, đá granite, đá cuội, sỏi..., thậm chí cả đá cát kết trong quá trình bóc chất thải của ngành than.
Quy trình làm cát nhân tạo cũng rất đơn giản. Các vật liệu được sàng tuyển, rửa, loại bỏ các tạp chất, sau đó được nghiền theo kích thước đạt tiêu chuẩn cỡ hạt, dùng vào các mục đích như xây, trát, trộn bê tông...
Ngoài việc tiết kiệm tài nguyên, giảm những tác động tiêu cực đến môi trường, cát nhân tạo có ưu thế nổi bật so với cát tự nhiên là hạt cát nhân tạo đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt nên góp phần quan trọng tiết kiệm các nguyên liệu khác như xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Hiện cả nước có hơn 20 cơ sở sản xuất cát nhân tạo, 1 năm sản xuất được khoảng 3 triệu m3, chỉ bằng 2% so với khối lượng cát tự nhiên được tiêu thụ. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng sản xuất cát nhân tạo và nhu cầu thị trường.
Theo đại diện nhiều đơn vị sản xuất cát nhân tạo, nếu những khó khăn trong việc tiêu thụ không được tháo gỡ, họ khó có thể duy trì lâu dài hoạt động các nhà máy.
Có thể thấy tiềm năng và nhu cầu sản xuất cát nhân tạo ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng rộng rãi loại vật liệu thân thiện với môi trường này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng, giảm sức ép khai thác cát tự nhiên trái phép, Bộ Xây dựng đang đề xuất và triển khai nhiều giải pháp như tăng thuế bảo vệ môi trường đối với cát tự nhiên, hỗ trợ sản xuất cát nhân tạo thông qua các công cụ kinh tế và môi trường cũng như nhiều giải pháp về truyền thông.
Có thể nói, việc tháo gỡ những khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ cát nhân tạo, đang đặt ra cấp bách. Bởi theo dự báo của Bộ Xây dựng với tốc độ sử dụng cát tự nhiên dùng cho san lấp được dùng ồ ạt như trong thời gian qua, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, trữ lượng cát tự nhiên của Việt Nam sẽ cạn kiệt.
VLXD.org (TH/ VTV)
Ý kiến của bạn