Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới chỉ có một mỏ cát kết tại xóm Khuyến, xã Cù Vân (Đại Từ) đuộc cấp phép khai thác với diện tích 80ha, thời gian hoạt động khoảng 30 năm. Mặc dù đi vào hoạt động từ năm 2011, sản phẩm đã được bán trên thị trường nhưng nhiều người dân vẫn còn xa lạ với loại VLXD mới này nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm cát nhân tạo được sản xuất tại mỏ của Công ty cổ phần Khai khoáng Miền núi.
Ông Trần Đình Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Khai khoáng Miền núi (đơn vị được cấp phép khai thác) cho biết, cát kết có mầu nâu vàng (mầu khác so với cát tự nhiên) nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân còn e ngại về chất lượng, chưa mạnh dạn sử dụng, việc tiêu thụ còn hạn chế.
Theo kết quả kiểm định của Viện VLXD (thuộc Bộ Xây dựng), cát kết hoàn toàn bảo đảm về chất lượng, tiêu chuẩn TCVN, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới cho Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên Thái Nguyên một số địa phương sử dụng sản phẩm này (chủ yếu dùng để xây dựng đường bê tông nông thôn). Các khách hàng đã sử dụng cát kết đều đánh giá cao chất lượng sản phẩm. Những công trình sử dụng cát kết có độ đông cứng, chịu lực tốt không kém cát tự nhiên. Về phía đơn vị cung cấp cát kết cũng cam kết bảo hành chất lượng sản phẩm này.
Ông Hoàng Văn Khang, Đội trưởng quản lý Mỏ khai thác cát kết của Công ty CP Khai khoáng Miền núi thông tin, cát kết được nghiền từ đá cát kết, sau đó rửa bằng nước nên rất sạch, không có bùn đất, tạp chất. Hiện nay, công suất sản xuất cát kết của đơn vị đạt khoảng 20m3/giờ. Để bảo đảm vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất cát kết, đơn vị thiết kế 4 bể lắng mạt đá nên nước ra đến môi trường hoàn toàn không ô nhiễm. Bên cạnh đó, đơn vị hiện đang thiết kế lắp đặt hệ thống máy ép bùn thải (bùn được hút vào máy để ép thành các bánh có thể bán cho một số công ty làm nguyên liệu trong sản xuất gạch). So với cát tự nhiên, cát kết rẻ hơn từ 40.000 - 60.000 đồng/m3. Kích cớ cát kết có thể được điều chỉnh để phù hợp với từng mục đích sử dụng. Tuy tiện ích và thân thiện với môi trường nhưng do nhiều người chưa biết đến hoặc vẫn còn e ngại nên chưa mở rộng được thị trường, trung bình mỗi ngày đơn vị chỉ tiêu thụ được từ 10 - 15m3.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng xóm 7, xã Cù Vân (Đại Từ) chia sẻ, năm 2015, xóm sử dụng toàn bộ cát kết để đổ tông tuyến đường liên xóm dài hơn 2km. Dù tuyến đường có nhiều ô tô tải chạy qua, nhưng đến nay, công trình vẫn không bị bong tróc mặt đường, xuống cấp. Còn ông Nông Văn Hợp, Trưởng phòng Kinh tế - VLXD (Sở Xây dựng) cho biết, Trung ương và tỉnh đều khuyến khích sử dụng vật liệu mới có độ bền, giá cạnh tranh và thân thiện với môi trường. Đối với sản phẩm cát kết của Công ty CP Khai khoáng Miền núi cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận kiểm định chất lượng của cơ quan chuyên môn để đăng ký vào danh mục VLXD của tỉnh... Đây là sản phẩm bảo đảm chất lượng và thân thiện với môi trường nên chusngt ôi khuyến khích các ổ chức, cá nhân sử dụng loại vật liệu này trong xây dựng...
Theo đnáh giá của các chuyên gia về xây dựng, việc sản xuất cát kết sẽ giúp giảm bớt áp lực cho nguồn vật liệu cát tự nhiên. Bởi, thực tế hiện nay, việc khai thác cát tự nhiên gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, làm thay đổi dòng chảy của sông, suối. Các công trình xây dựng ngày càng nhiều nên nhu cầu sử dụng đối với loại vật liệu này càng lớn dẫn đến việc khai thác cát tự nhiên trái phép. Đặc biệt, với tỉnh ta nguồn cung không đủ cầu nên cát tự nhiên từ các tỉnh đổ về với số lượng lớn và thường vận chuyển bằng xe trọng tải hạng nặng nên ảnh dẫn đến nguy cơ các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp
Vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức đấu giá quyền khai thác một số mỏ đá cát kết để sản xuất, từng bước thay thế cát tự nhiên khai thác từ sông, suối. Do vậy, trong thời gian tới cơ quan chức năng liên quan các cấp nên đẩy mạnh tuyên truyền, có chính sách khuyến khích sử dụng VLXD mới này. Trước tiên nên ưu tiên sử dụng cát kết đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như đã thực hiện đối với sản gạch không nung…
VLXD.org (TH/ Báo Thái Nguyên)