Trên thực tế, một nghịch lý đang diễn ra đó là hàng tồn kho lớn, lượng tiêu thụ từ các công trình xây dựng, bất động sản rất thấp nhưng giá thép lại liên tục điều chỉnh tăng cao.
Sở dĩ các doanh nghiệp sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng giá bán là để bù lỗ, bởi giá nguyên liệu đầu vào vẫn luôn ở mức tăng cao và chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Theo khảo sát tại các đại lý sắt thép ở Hà Nội và TP.HCM, giá thép xây dựng đã liên tục tăng cao từ đầu năm tới nay và hiện đang dao động ở mức trung bình gần 18 triệu đồng/tấn. Mức giá này đang tương đương với mức cao nhất thời điểm tháng 7 - 8/2022.
Hiện mức giá thép cuộn khu vực miền Bắc vào khoảng 17,7 triệu đồng/tấn, tại miền Trung đã tăng lên mức 17,8 triệu đồng/tấn, tùy tiêu chuẩn; còn tại khu vực miền Nam, giá bán thép cũng tăng lên 17,6 triệu đồng/tấn tùy loại.
Lần tăng giá gần đây nhất (20 - 21/3), với mức tăng khoảng 150.000 - 160.000 đồng/tấn (dòng thép thanh vằn) khiến giá sắt thép bán ra tại các đại lý tại Hà Nội đã vượt ngưỡng 17,5 triệu đồng/tấn và tiến sát 18 triệu đồng/tấn. Mức giá này tăng khoảng 10% so với cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh điểm hơn 20 triệu đồng/tấn hồi năm ngoái.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, giá bán thép thành phẩm vẫn đang tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào, nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép vẫn thấp, khó khăn từ việc mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra. Lượng thép thành phẩm tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10%. Dù sản lượng thép thành phẩm đã giảm 16%, nhưng mức chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn lên tới hơn 400.000 tấn nên nhiều khả năng giá thép tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng tới.
Nhìn nhận về thị trường thép năm nay, một số chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, giá thép có thể sẽ không đạt mức đỉnh như năm 2022, nhưng xu hướng tăng vẫn chưa dừng lại. Sản xuất và tiêu thụ ngành thép phụ thuộc lớn vào việc triển khai xây dựng các dự án bất động sản, cầu đường… Nhưng thời gian qua, các dự án bất động sản vẫn khá trầm lắng nên ngành thép năm nay dự báo sẽ không có tăng trưởng.
Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa lại nền kinh tế, nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra sự phục hồi cho ngành thép, khi mảng xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng sang thị trường này của nhiều doanh nghiệp bằng “0”.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tại thị trường trong và ngoài nước đều giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Nếu như quý I/2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh. Nhưng trong quý I/2023, thị trường lại trầm lắng do lượng cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép chưa thể bứt phá.
Diễn biến thị trường thép trong nước mặc dù đã được dự báo từ trước với nhiều khó khăn nội tại và cả khách quan, song các doanh nghiệp ngành thép vẫn còn nhiều động lực tăng trưởng có thể nhìn thấy từ thực tế năm 2023.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) cho thấy, nhu cầu thép thế giới sẽ tăng trở lại khoảng 1% trong năm 2023 nhờ động lực từ việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như tình hình thiếu hụt năng lượng đã được kiểm soát trên thế giới; trong đó, khu vực ASEAN sẽ dẫn đầu tăng trưởng về tiêu thụ thép nhờ định hướng đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. Đây được kỳ vọng sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, nguồn cung thép thị trường châu Âu trong năm 2023 được dự báo tiếp tục thiếu hụt do giá năng lượng cao. Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng từng dự báo, tình trạng khó khăn, thua lỗ của doanh nghiệp thép kéo dài hết quý IV/2022 và có thể sẽ còn tiếp tục trong quý đầu năm 2023 do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép. Nhưng với các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án xây dựng, giao thông… thị trường thép vẫn nhìn thấy những "điểm sáng" trong năm 2023.
Như vậy, với những khó khăn đã được dự báo từ trước, thị trường ngành thép đã kết thúc quý I trong "trầm lắng". Hy vọng với những "điểm sáng" đã điểm ở trên, sẽ là "đòn bẩy" tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành thép tiếp tục bước qua giai đoạn khó khăn, tìm kiếm cơ hội bứt phá và đạt được nhiều thành quả trong quý II tới.
VLXD.org (TH/ TC Xây dựng)