Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu xi măng (bao gồm cả clinker) năm 2014 của Việt Nam ước đạt 912,4 triệu USD. Trong đó, các quốc gia mà xi măng Việt Nam đã và đang tới được là Bangladesh, đạt 322 triệu USD (chiếm 35,3%), Indonesia đạt 123 triệu USD, Malaysia đạt 62 triệu USD, Philippines đạt 44,2 USD, Chile đạt 31,1 triệu USD… Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với số liệu xuất khẩu 10 năm trở lại đây, những thị trường ổn định của ngành xi măng lại là các thị trường đón nhận xuất khẩu xi măng nhỏ như: Lào, Campuchia, Philippines, Singapore và Indonesia, dưới triệu 5 tấn/năm. Số lượng này có thể đảm bảo "tính khả thi” xuất khẩu và không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường trong nước.
Nhưng xuất khẩu xi măng (cả clinker) trong thời gian tới, dù thị trường ổn định hay bột phát, cũng sẽ gặp trở ngại lớn, thách thức cho ngành sản xuất xi măng trong nước. Cụ thể, giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia… Đặc biệt, đối với Trung Quốc, quốc gia riêng năm 2014 đã sản xuất ra 2,5 tỷ tấn xi măng chiếm 60% thị trường thế giới (khoảng 4,18 tỷ tấn), song giá xuất khẩu của Trung Quốc 10 năm trở lại đây ở khu vực phía Đông châu Á lại thấp nhất thế giới. Sự cạnh tranh về giá với một "đại khổng lồ” ngành công nghiệp xi măng khiến xuất khẩu Việt Nam tuy có thị trường nhưng về lâu dài dần dàn sẽ bị lấn mất, nếu không có những đối sách thích hợp.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu xi măng lớn cho biết, giá FOB của loại xi măng 42.5N và 42.5R, hai loại được mua bán nhiều nhất trên thế giới (tương đương PC500 và PCB500), thì giá xi măng Việt Nam khoảng 50 đến 53 USD/tấn, thấp hơn giá xi măng trong khu vực Đông Nam Á khoảng 10% (tương đương với giá xi măng Trung Quốc). Tuy nhiên, giá xi măng Việt Nam lại phải "cõng thêm” cước vận chuyển cao khi chưa có cảng chuyên dùng. Đó là chưa kể giá điện và giá than (chiếm hơn 50% tỷ trọng sản xuất xi măng) trong thời gian qua tăng liên tục. Tổng hợp số liệu trên khiến giá xi măng xuất khẩu Việt Nam ở ngưỡng cao, khó cạnh tranh với các quốc gia khác.
Theo TS Nguyễn Thanh Lâm (Hiệp hội Xi măng Việt Nam) thực chất việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong thời gian qua có mục đích điều tiết khủng hoảng thừa của thị trường trong nước chứ chưa phải là một chiến lược phát triển, thông qua xuất khẩu, để bền vững. Ở đây, lĩnh vực xuất khẩu xi măng lệ thuộc rất lớn vào mạng lưới phân phối và giá thành. Song ở hai lĩnh vực này, Việt Nam còn thiếu và yếu. "Chưa kể nguyên nhân, xuất khẩu xi măng của Việt Nam hiện nay chủ yếu vào một số thị trường truyền thống, nên các doanh nghiệp bị đại lý trung gian ép giá. Khi giá thị trường tăng thêm 1 USD/tấn, doanh nghiệp xuất khẩu Việt chỉ lên giá 0,5 USD/tấn. Song khi thị trường giảm 2 USD/tấn, các doanh nghiệp giảm tới 4 USD/tấn. Xuất khẩu xi măng luôn ở chiếu dưới, một phần bởi chưa có chiến lược lâu dài, một phần bởi sự điều tiết của cơ quan quản lý chưa sát với thực tế” - TS Lâm nhấn mạnh.
Xi măng Việt Nam muốn tìm đường xuất ngoại thì phải chấp nhận cạnh tranh Hiện nay, thị trường xuất khẩu xi măng Việt Nam vẫn mở cửa nhưng cách tiếp cận như thế nào cho hiệu quả, là sự cốt lõi cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng tại Việt Nam. Có thể kể đến thị trường Bangladesh, cơn sốt vật liệu xây dựng đang là cơ hội cho doanh nghiệp xi măng Cẩm Phả. Hay như thị trường Indonesia, xi măng Thăng Long có thể chiếm lĩnh thị phần do có cổ đông lớn Semen Indonesia (sản xuất 30 triệu tấn/năm). Tương tự thị trường Thái Lan đang được Vicem và Vissai tiếp cận và đang có những điều tiết cung cầu hiệu quả…
Song, điều cấp bách nhất hiện nay vẫn là giải quyết bài toán giá thành, yếu tố tiên quyết cho thị trường trong nước và xuất khẩu và cho cả thị trường nội địa. TS Nguyễn Thanh Lâm cho biết, với Việt Nam, muốn giảm giá thành phải xem xét lại việc ngành xi măng có tự đáp ứng nguồn điện để sản xuất. Ở đây, có hai cách, một từ tái sử dụng năng lượng, hai là sử dụng chất đốt. Giải quyết được những "nan đề” trên, ngành xi măng sẽ có thêm nhiều cơ hội.
Về công cụ và chính sách, Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 đang là "bài thuốc” hữu hiệu cho ngành xuất khẩu xi măng. Ổn định sản xuất trong nước (giá thành và chất lượng) mới quyết định cho việc xuất khẩu. Rõ ràng, việc kích cầu trong nước rất quan trọng. Vấn đề là điều chỉnh tốc độ phù hợp với sự phát triển của thị trường ngoài nước, để hoạt động có lãi. Nói cách khác, việc thường xuyên điều chỉnh các chỉ tiêu (có thể thấp hơn yêu cầu) sẽ giảm bớt các tác động của "khủng hoảng thừa”, tạo hoạch định cho chiến lược phát triển xuất khẩu xi măng. Bền vững một thị trường, ổn định đầu ra, chính là cơ hội. Việt Nam đang đứng hàng thứ 5 thế giới và dự báo đến năm 2020 công suất có thể đạt 100 triệu tấn/năm. Nhưng xuất khẩu như thế nào, tránh tình trạng đóng băng, phải có những chính sách đi kèm chiến lược cụ thể, mới thoát ra khỏi cảnh "mò mẫm”, điều mà nhiều hội thảo xuất khẩu xi măng gần đây đặt ra, nhưng chưa có lời giải thấu đáo.
Theo Đại đoàn kết