Có rất nhiều giải pháp chống nóng, giải nhiệt cho nhà nhiều cửa kính hoặc nhà hướng nắng được đăng tải trên báo chí, internet… nhưng không phải cái nào cũng hiệu quả và ứng dụng được vào thực tế. Chính vì thế, bài viết này sẽ tổng hợp lại một số phương pháp chống nóng đảm bảo giúp nhà bạn giảm nhiệt và có thể áp dụng vào thực tế thật dễ dàng. Bạn có thể áp dụng toàn bộ hoặc một vài cách chống nóng dưới đây để mang lại hiệu quả cao nhất:
1. Làm lam chắn nắng
Cách che nắng bằng mành tre từ lâu đã được sử dụng trong dân gian để chống nắng cho nhà. Tuy nhiên, hiện nay rất ít người sử dụng loại mành này vì không phù hợp với những ngôi nhà hiện đại. Gần như chỉ có những ngôi nhà xây theo lối xưa như nhà gỗ hay nhà gạch mấy gian mái ngói còn sử dụng cách chống nóng này.
Do đó, giải pháp thay thế mành tre phổ biến cho các ngôi nhà hiện đại, nhiều tầng ở thành phố là sử dụng lam chắn nắng phía mặt ngoài nhà và cửa sổ. Phương pháp này vẫn áp dụng nguyên tắc chống nắng của mành tre lại đồng thời tạo nên những mảng trang trí làm đẹp cho ngôi nhà.
Những chất liệu chủ yếu để làm lam chắn nắng là nhôm và gỗ nhựa composite ngoài trời . Các loại lam chắn bằng nhôm thường có giá thành rẻ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tạo vẻ đẹp cổ điển, sang trọng cho ngôi nhà của mình thì nên sử dụng gỗ nhựa composite ngoài trời vì loại vật liệu này có vẻ ngoài giống hệt gỗ mà không bị cong vênh hay mối mọt.
Hai loại gỗ nhựa ngoài trời thông dụng nhất để làm lam chắn nắng là thanh gỗ nhựa dẹt , chuyên dùng cho những lam chắn nắng ngắn, và cột chữ nhật gỗ nhựa ngoài trời, chuyên dùng cho các loại lam dài.
2. Dùng sơn chống nắng cho tường nhà
Một giải pháp chống nóng cho phía ngoài mặt nhà gần đây rất phổ biến là sử dụng các loại sơn đặc biệt dùng cho chống nóng tường nhà như sơn Dulux, sơn Kova... Dòng sơn này dù là thương hiệu nào cũng đều hoạt động theo nguyên tắc phản xạ bức xạ nhiệt. Màng sơn có những hạt nhựa có khả năng phản xạ tia UV và giảm tối đa khả năng hấp thụ nhiệt của tường, giúp cho nhiệt độ tường giảm hơn so với các loại sơn thông thường tới 5 độ.
3. Lợp mái ngói
Mái ngói là vật liệu truyền thống có khả năng cách nhiệt rất tốt do có cấu trúc rỗng của ngói giúp không khí trên mái nhà lưu thông tốt hơn, tạo điều kiện cho nhiệt độ mát mẻ hơn.
4. Lát sân thượng bằng gạch bê tông nhẹ
Bê tông nhẹ là một khối bê tông rỗng với vô số các lỗ khí li ti dạng tổ ong kín. Các lỗ rỗng này được kết nối bằng bê tông nên trọng lượng của nó rất nhẹ. Vật liệu này có tác dụng cách nhiệt cao gấp 6 -7 lần gạch đỏ thông thường và có khả năng chịu được nhiệt độ cao lên đến 1200 độ trong vòng vài từ 4 đến 8 tiếng tuỳ độ dày của tường.
5. Lát sân thượng bằng gạch chống nóng
Có rất nhiều loại gạch chống nóng với hình dạng rất đa dạng trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay như gạch chữ U hay các loại gạch có lỗ. Đặc điểm chung của các loại gạch này là có những lỗ rỗng do đó không khí có thể dễ dàng lưu thông qua và do đó làm giảm nhiệt hấp thu. Điều bạn cần lưu ý là phải có một lớp chống thấm trước khi lát loại gạch này lên mặt bê tông sân thượng.
6. Sử dụng phim cách nhiệt cho cửa kính
Phim cách nhiệt ra đời với nhiệm vụ chính là giảm hiệu ứng nhà kính đối với những không gian kín được bao quanh bằng kính như nhà, ô tô. Mặc dù có nhiều loại nhưng cấu tạo chung của loại vật liệu này là được tráng các lớp hợp chất giúp hấp thụ tia tử ngoại và tia hồng ngoại (nhiệt) và nhờ đó ngăn cản trao đổi nhiệt qua kính, an toàn UV.
Để chống nóng cho nhà hiệu quả, bạn nên áp dụng tổng hợp các phương pháp nói trên cho toàn bộ không gian trong và ngoài nhà như làm lam chắn nắng bằng gỗ nhựa composite ngoài trời chống nóng sân thượng và cửa sổ, nơi hấp thụ chủ yếu nhiệt lượng gây ra bởi ánh nắng mặt trời.
VLXD.org (TH/ giadinh.net)