Theo
tổng kết của Hiệp hội Sơn Việt Nam, sản lượng tiêu thụ của toàn ngành
năm 2014 cùng lắm chỉ bằng năm 2013, sơn trang trí tăng nhẹ dưới 5%,
thấp xa so với mức tăng trung bình 10 - 12% mỗi năm. Trong khi đó, sản
lượng sơn trang trí chiếm khoảng 65% và giá trị khoảng 54% cơ cấu ngành.
Dù không tăng như kỳ vọng nhưng các đại gia ngành sơn vẫn đua nhau mở
rộng sản xuất, không chỉ dừng lại ở sơn nước mà gần như ở tất cả các
chủng loại sơn.
Thị trường ghi nhận sự lép vế của sơn nội so với
sơn mác ngoại, cho dù cả hai loại đều được sản xuất tại Việt Nam. Đơn cử
như sơn Nippon đã xây thêm nhà máy thứ 3 cho chủng loại sơn phủ tại
Vĩnh Phúc với vốn đăng ký 14 triệu USD. Tham vọng của Nippon ở thị
trường Việt Nam không chỉ ở sản lượng mà còn tăng độ phủ thương hiệu
bằng chiến lược tiến công vào các công trình lớn.
Ông
Jason, Giám đốc maketing Sơn Nippon cho biết, Nippon đang chú trọng
“vào” các công trình lớn của Nhà nước tại Việt Nam. Thế nhưng, dường như
Nippon vẫn chưa tìm ra được con đường đi hữu hiệu khi việc quảng bá
thương hiệu hay tổ chức các cuộc thi mang tính cộng đồng của DN này vẫn
chưa có tính mục đích rõ rệt là hướng tới các chủ đầu tư xây dựng.
Sơn
nội dù lép vế, nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị cũng tung ra thị
trường những “đòn” khá độc đáo. Chẳng hạn như Nero đưa ra dòng sản phẩm
sơn chống thấm trang trí Nero Cement Paint có chất lượng tương đương sản
phẩm ngoại nhưng lại có giá bán thấp hơn từ 30 - 50%. Sơn Hòa Bình đã
chọn sản xuất sơn đá cho phân khúc cao cấp với thương hiệu Hodastone có
giá trung bình cao hơn gấp 2 - 3 lần so với sơn nước, nhưng vẫn được ưa
chuộng vì có tính thẩm mỹ và độ bền cao cho các công trình ven biển có
nắng gió nhiều, hơi muối, hoặc khí hậu lạnh giá. Sơn Kova lại chọn hướng
xuất khẩu thay vì chen chân trong nước.
Với công suất 100 triệu
lít sơn/năm, Sơn 4 Oranges đang “tổng tiến công” thị trường bán lẻ, dự
án, công trình lớn và không quên đầu tư cho dịch vụ, hệ thống các trung
tâm phối và pha màu, nâng con số lên 2.000 trung tâm phối và pha màu
trên cả nước. Trong cuộc đua của các đại gia, Jotun cũng tăng vốn đầu tư
lên 16,1 triệu USD để mở rộng nhà máy, nâng công suất lên 25 triệu lít
sơn/năm.
Nhiều chủ đầu tư dự án lớn chia sẻ về việc lựa chọn các
sản phẩm sơn cho công trình, họ không bỏ tiền ra chỉ để mua các thương
hiệu nổi tiếng, mà lựa chọn nhãn hàng phù hợp với từng dự án.
“Với
việc chọn sản phẩm sơn, tất cả các vấn đề như chất lượng, giá cả,
phương thức thanh toán, chế độ hậu mãi… đều phải được cân đong rất kỹ
càng trong dự toán về tính hiệu quả”, chủ đầu tư một dự án tại quận 7,
TP. HCM cho biết.
Theo TBKTSG