Bề mặt cột hoặc sàn bê tông bị rỗ là hiện tượng thường gặp sau khi tháo dỡ ván khuôn, do một số nguyên nhân.
Bề mặt bê tông xuất hiện nhiều lỗ kích thước 2 - 5 cm.
Thứ nhất, do tỷ lệ không hợp lý giữa các thành phần vật liệu liên kết trong một mét khối bê tông gồm xi măng, cát, đá xây dựng, chất phụ gia. Ví dụ như sử dụng cát quá nhiều hay kích thước đá, sỏi không đều sẽ gây phát sinh lượng lớn bọt sau khi tháo cốp pha, dẫn đến hiện tượng bê tông bị rỗ.
Thứ hai, việc hòa trộn cốt liệu không đều, quá khô hoặc quá ướt cũng dẫn đến hiện tượng bê tông bị rỗ. Nếu đổ bê tông khi trời mưa to sẽ khiến hỗn hợp bị ngập nước và tăng lượng bọt khí, vừa giảm cường độ bê tông vừa gây ra hiện tượng rỗ lớn trên bề mặt. Hoặc khi sử dụng ván khuôn gỗ có độ hút ẩm cao cũng có thể làm giảm lượng nước từ hỗn hợp bê tông tươi và gây ra tình trạng rỗ.
Thứ ba, do quá trình thi công không đảm bảo kỹ thuật. Điển hình như việc đầm bê tông không kỹ hoặc chưa tới độ sâu cần thiết, khiến không khí đi vào trong tạo nên những lỗ hổng. Đầm là bước quan trọng để làm chặt kết cấu bê tông khi còn ở dạng vữa, đổ vào khuôn đúc trước khi vật liệu này bắt đầu đông kết.
Ngoài ra bê tông bị phân tầng, tách lớp, thiếu kết dính cũng gây ra hiện tượng rỗ. Tình trạng này xảy ra trong một số trường hợp như đổ bê tông từ độ cao hơn 1,5 m, lớp dầm bị ken quá dày, bê tông được vận chuyển đường dài, thành phần bê tông không được trộn đều...
Khi phát hiện bê tông bị rỗ, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng trên và quan sát độ sâu, dày của các lỗ trên bề mặt để chọn cách xử lý phù hợp.
Trường hợp bê tông rỗ ngoài, dễ phát hiện những lỗ nhỏ, nông trên bề mặt, giải pháp là đục và trát vữa xi măng. Cách này yêu cầu đục toàn bộ khu vực xuất hiện vết rỗ, đảm bảo các viên đá, sỏi được bằng phẳng sau đó phun nước rửa sạch và thấm khô. Tiếp theo, dùng vữa xi măng với mức cấp phối 1:2:5 hoặc 1:2 trát kín lại khu vực bị rỗ. Có thể sử dụng súng phun vữa cho những vết rỗ không quá sâu, xuất hiện dày.
Trường hợp bê tông bị rỗ sâu, giải pháp phổ biến là phun bê tông. Cách này yêu cầu đục bỏ toàn bộ khu vực bị rỗ, sau đó ghép ván chắc chắn, trộn hỗn hợp vữa xi măng theo tỷ lệ cấp phối trước đó rồi phun ướt, tạo lớp vữa lót. Cuối cùng tiến hành phun bê tông vào khu vực bị rỗ để lấp đầy bề mặt. Nên sử dụng máy đo độ ẩm bê tông để đảm bảo theo đúng mẫu trước đó, tránh lớp bê tông mới đổ bị quá khô hoặc quá ướt sẽ gây rỗ tiếp.
Trường hợp bê tông bị rỗ nặng, nhìn thấy được cả cốt thép bên trong, bạn cần xem xét đổ lại bê tông để đảm bảo an toàn cho công trình.
Nguồn: //vnexpress.net/cach-xu-ly-be-tong-bi-ro-4608724.html
Ý kiến của bạn