Theo bà Lê Thị Thùy Trang, đại diện phòng kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Mạnh Long (Bình Dương), sức ép lớn nhất đối với Mạnh Long hiện nay là sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà cung cấp khác trên thị trường. Nếu cách đây 10 năm ngành
gốm ở Bình Dương chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp làm gốm sơn nhưng hiện nay con số này đã lên tới vài chục doanh nghiệp.
“So với sản phẩm
gốm mỏng, gốm
trang trí trong nhà xuất xứ Trung Quốc, gốm Việt Nam cạnh tranh không lại về giá. Vì vậy, để giữ chân khách hàng, công ty đã phải tăng cường khâu quản lý, hạn chế tối đa hao hụt về vật tư và sản phẩm hỏng”- bà Trang nói.
Tình trạng DNTN Mạnh Long gặp phải là tình trạng chung của các doanh nghiệp xuất khẩu gốm hiện nay. Ông Lê Bá Ngọc- Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - cho biết: Trên các thị trường nhập khẩu, gốm sứ của Việt Nam hiện không chỉ đang chịu sức ép cạnh tranh từ các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc. Sự cạnh tranh này còn đến từ nhà cung cấp tại những thị trường mới nổi như Thái Lan, Bồ Đào Nha…
Ông Ngọc khuyến cáo, cạnh tranh là vấn đề tất yếu, để không bị lép vế trên
thị trường, doanh nghiệp cần đầu tư cho công nghệ, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Hiện đã có một số doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đầu tư lò đốt có thể tích lên tới 120 khối, hiệu suất rất cao, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Vẫn theo ông Ngọc, gốm ngoài trời là thế mạnh của gốm sứ Việt Nam, các doanh nghiệp cần tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, tay nghề lao động cao… để phát huy thế mạnh này.
Gốm sứ hiện là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất trong ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này luôn chiếm 15% tỷ trọng xuất khẩu của ngành. 10 tháng, các doanh nghiệp ngành gốm cũng đã xuất khẩu 409 triệu USD sang các thị trường.
Theo Báo Công Thương