Thời gian gần đây, tình trạng tôn giả, tôn nhái xuất hiện trên diện rộng
từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái
Nguyên, Hà Nội... Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã bày tỏ ý kiến bức xúc trước thực trạng này.
Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP
Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Chúng tôi vô cùng bức xúc trước tình trạng hàng giả, hàng nhái đang hoành hành như hiện nay. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến lợi nhuận và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà ở tầm vĩ mô còn ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế đất nước".
Ông Vũ dẫn chứng, năm 2013,
Tôn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần, tuy nhiên trước vấn nạn tôn giả, tôn nhái chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, Tôn Hoa Sen đã giảm 2,6% thị phần. “Việc giảm thị phần kể trên tương đương với việc Tôn Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014, dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng”, ông Vũ chia sẻ.
Cũng theo doanh nghiệp này, đối với toàn ngành tôn, giả sử lượng tôn giả, tôn nhái chiếm 20% thị phần thì ước tính thiệt hại gây ra cho toàn ngành tôn thép trong nước khoảng 906 tỷ đồng.
Những thiệt hại cho người tiêu dùng cũng được ông Vũ nêu ra bằng những con số cụ thể. Theo tính toán của
Tôn Hoa Sen, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 - 6.000 đồng/m. Giả sử với một ước tính thận trọng, khoảng 20%
thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái tương đương khoảng 346.000 tấn thì số tiền thiệt hại ít nhất người tiêu dùng phải chịu là 394 tỷ đồng.
Như vậy, xét riêng ngành tôn tổng thiệt hại cho nền kinh tế bao gồm thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng ước tính 1.300 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn tôn giả. Ảnh internet. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tình trạng tôn giả, tôn nhái được thể hiện bằng cách như: In nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong
ngành thép in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; bán hàng không đúng quy định về quy cách, kích thước, chất lượng, đặc biệt là gian lận độ dầy tôn; không xuất hoá đơn.
Ông Sưa đặc biệt nhấn mạnh đến việc nhập hàng Trung Quốc chất lượng kém sau đó in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ.
Ông Lê Phước Vũ cũng thông tin, tôn kém chất lượng tức là độ dày thép nền và độ dày lớp mạ trên bề mặt tôn không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà người bán cam kết với khách hàng.
Các doanh nghiệp đã cung cấp sản phẩm tôn không đủ độ dày theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu của người tiêu dùng bằng cách tẩy xóa độ dày thực tế của sản phẩm và in lại để “nâng cao” độ dày tôn; hoặc sử dụng tôn không rõ nguồn gốc, tôn Trung Quốc kém chất lượng để in thông số mập mờ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng tôn giả, tôn nhái, tôn kém chất lượng, các doanh nghiệp kiến nghị, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này bằng cách: Thực thi nghiêm túc Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT – BCT- BKHCN về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu để ngăn chặn các sản phẩm tôn, thép kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam; xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, quy trình kiểm tra, rà soát chất lượng trong việc kinh doanh sản xuất tôn của các doanh nghiệp trong nước…
Theo Báo Hải quan