Thi công mặt đường bằng công nghệ Carboncor Asphalt tiết kiệm chi phí từ 10 - 20% so với vật liệu thông thường
Với 3 thành phần chính là đá, sít than sau sàng (rác than), nhũ tương đặc biệt, cường độ của Carboncor Asphalt được hình thành do phản ứng hóa học giữa 3 yếu tố trên nên liên kết hóa học này làm cho vật liệu trở thành một khối bền vững với nền đường. Hiệu quả kinh tế mà Carboncor Asphalt đem lại không chỉ nhờ vật liệu có độ bền cao mà còn do tỷ lệ thất thoát gần như không có khiến chi phí thấp hơn đáng kể so với công nghệ thông thường.
Cùng với một khối lượng như bê tông nhựa thông thường nhưng vật liệu mới tăng được 25% diện tích phủ mặt đường. Vật liệu này cũng không yêu cầu phải có lớp dính bám hoặc thấm bám mà chỉ cần sử dụng nước tưới thấm ướt bề mặt trước khi thi công. Hiệu quả kinh tế còn có được nhờ việc có thể sử dụng lao động địa phương để thi công vì công nghệ đơn giản. Đặc biệt, Carboncor Asphalt không bị chảy mềm dưới thời tiết nắng nóng như nhựa thông thường nhưng lại có độ dẻo nên không làm cho mép đường bị "cóc gặm". Thời gian đưa công trình vào sử dụng cũng được rút ngắn vì chỉ cần sau khi lu phẳng là có thể cho xe chạy, ngay cả với cung đường đòi hỏi cường độ mặt đường cao cũng chỉ cần cấm xe 4-8 giờ. Với những ưu điểm đó Carboncor Asphalt được ứng dụng trong xây dựng mới đường giao thông trên các loại móng, nền thông thường, nhất là đường liên tỉnh, liên xã; duy tu, bảo dưỡng các loại đường đã xuống cấp.
Vật liệu mới này đã được Bộ GTVT cho phép sử dụng trong xây dựng và sửa chữa kết cấu vá đường ở Việt Nam sau khi đã được thử nghiệm và được Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đo đạc, đánh giá đối chứng với bê tông nhựa nóng. Đánh giá cao việc đầu tư, nghiên cứu đưa Carboncor Asphalt vào sử dụng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Với nhiều ưu thế, Carboncor Asphalt sẽ rất phù hợp với việc xây dựng hệ thống giao thông ở Việt Nam, kể cả làm mới, duy tu và sửa chữa. Có thể coi, đây là lời giải cho bài toán giao thông nông thôn.
Với một nước đang trong quá trình CNH, HĐH như nước ta, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông rất lớn, thì việc đưa vào sử dụng loại vật liệu làm đường có thể tiết kiệm cho ngân sách từ 20-40% nhờ sử dụng nguyên liệu thô sẵn có trong nước, không thất thoát, giảm thời gian thi công và đưa vào sử dụng, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường là một lựa chọn khôn ngoan.
Theo Hànộimới