Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch trong việc khai thác các nguồn vật liệu thay thế bền vững bằng cách xây dựng thêm tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn, mở ra cơ hội sử dụng cát biển trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đối với hoạt động thẩm định tiêu chuẩn, về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho cát, trong hệ thống QCVN hiện hành có 01 QCVN 16:2023/BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BXD ngày 30/6/2023 có quy định cho đối tượng cát nghiền cho bê tông và vữa; cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa.
Về tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho cát, trong hệ thống TCVN hiện hành có 7 tiêu chuẩn cát thường (cốt liệu nhỏ) cho xây dựng do Bộ Xây dựng biên soạn và Bộ KH&CN công bố.
Đối với cát nhiễm mặn, hiện tại hệ thống TCVN có 01 tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn là TCVN 13754:2023 Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa. Tiêu chuẩn này do Bộ Xây dựng tổ chức nghiên cứu, biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu khảo sát và thực nghiệm về cát nhiễm mặn, bê tông sử dụng cát nhiễm mặn trong và ngoài nước, đồng thời tham khảo nội dung các tiêu chuẩn khu vực (EN 12620:2008), tiêu chuẩn nước ngoài (JGJ 206-2010, JSCE No16), TCVN 7570:2006 và được Bộ KH&CN công bố kèm theo Quyết định số 1343/QĐ-BKHCN ngày 29/6/2023.
Xây dựng thêm nhiều tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn.
Theo kế hoạch xây dựng TCVN, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng thêm 3 TCVN về cát nhiễm mặn bao gồm: Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật - Phần 1- Cát cho kết cấu bê tông; Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật - Phần 2 - Cát cho kết cấu bê tông cốt thép; Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật - Phần 3 - Cát cho vữa xây dựng.
Trao đổi thêm về vấn đề thẩm định TCVN, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường là rất quan trọng. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang thí điểm ở diện hẹp. Sau khi có kết quả đánh giá thử nghiệm, thí điểm, các bộ chuyên ngành sẽ xây dựng dự thảo các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi chuyển sang Bộ KH&CN để tổ chức thẩm định, ban hành. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tích cực phối hợp với các Bộ trong công tác này.
Còn về phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong thời gian qua Bộ đã thực hiện nghiên cứu thí điểm và đánh giá khả năng thay thế cát sông bằng cát biển trong các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng.
Theo đó, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Kết quả đánh giá bước đầu lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết vật liệu đầu vào cát biển dùng đắp mẫu cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm là đảm bảo các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền về hàm lượng muối hoàn tan và chỉ số sức chịu tải theo TCVN 9436:2012 Nền đường ôtô - Thi công và nghiệm thu (tổng lượng muối hòa tan <5%).
Về vấn đề chất lượng môi trường xung quanh khi sử dụng cát biển của đoạn thí điểm cho thấy, chất lượng môi trường nền (nước mặt, nước ngầm và đất) trước và trong khi thi công cho thấy chưa có bằng chứng về việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng Clorua trong nước mặt và nước ngầm; việc thi công cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đất. Điều này mở ra triển vọng sử dụng cát biển một cách rộng rãi hơn trong tương lai, giảm bớt áp lực lên nguồn cung cát sông và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.
Sự chuyển hướng này không chỉ đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng mà còn phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc tìm kiếm các giải pháp bền vững, thân thiện với môi trường. Việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn mới cho cát nhiễm mặn là một bước tiến quan trọng, hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành xây dựng và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
VLXD.org (TH/ VietQ)
Ý kiến của bạn