Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 10 năm nay, tổng giá trị
bất động sản tồn kho trên cả nước là hơn 80.500 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/3.
Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm
dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Các quận có nhiều Dự án nhà ở nhất là quận Bình Thạnh, quận 7, quận 2, quận Thủ Đức, quận 12. Những Dự án này được quảng cáo bằng nhiều cách khác nhau, từ các phương tiện thông tin đại chúng đến phát tờ rơi, thậm chí là nhắn tin vào điện thoại di động. Trong đó, không ít Dự án làm thất vọng khách hàng vì quảng cáo không đúng sự thực. Đó là chưa kể đến hàng chục Dự án đất nền đang “nằm bất động”.
Thực tế cho thấy, những
Dự án nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình có giá thấp, diện tích nhỏ và được vay gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đang được nhiều người quan tâm.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam cho rằng: với mức tín dụng tăng khoảng 13 đến 15% trong năm 2015 theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, phải tăng ngay từ đầu năm mới có thể thúc đẩy
thị trường bất động sản “ấm” dần lên. Là đô thị lớn nhất cả nước, việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cần được các ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ. Trên thực tế, gói tín dụng này đang triển khai rất ì ạch. Bên cạnh đó, việc khủng hoảng của nền kinh tế Nga cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản của Việt Nam nói chung và ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường
bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn khó khăn nhất. Mức “đáy” này có thể kéo dài một thời gian nữa. Năm 2015, hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, như: rủi ro đối tác, rủi ro chính sách, rủi ro về kinh tế vĩ mô, sự bất ổn của kinh tế quốc tế và sự cạnh tranh của thị trường bất động sản trong khu vực, nhất là ở thị trường mới nổi như Myanmar.
Bên cạnh đó, sự thay đổi về Luật đất đai,
Luật doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu thực hiện nên còn nhiều điểm vướng mắc. Nhiều nhà đầu tư chưa an tâm khi đầu tư vào lĩnh vực
bất động sản, mà họ tìm những kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay ngân hàng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cần có dự báo trên cơ sở khoa học về lượng cầu của thành phố, từ đó có quy hoạch và tạo lượng cung phù hợp, tránh đưa thị trường vào tình trạng phục vụ cầu ảo như đã xảy ra trước những năm 2008. Bên cạnh đó, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, thành phố cần có chính sách ưu đãi và đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực trong lĩnh vực này./.
Theo VOV