Sau nhiều năm tranh cãi xung quanh sự độc hại của các sản phẩm chứa
amiăng - chất được cho là nguyên nhân của hàng nghìn ca tử vong vì bệnh ung thư mỗi năm, Chính phủ Canada cuối cùng đã quyết định cấm tất cả các sản phẩm có chứa chất độc hại này vào năm 2018.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời Bộ trưởng Khoa học Canada Kirsty Duncan tại cuộc họp báo hôm 15/12 ở Ottawa cho biết kể từ năm 2018, tất cả các hoạt động liên quan đến amiăng bao gồm sản xuất, sử dụng, nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm chứa amiăng, kể cả mặt hàng thông dụng như
vật liệu xây dựng và má phanh xe hơi… sẽ bị cấm sử dụng ở Canada.
Điều này đánh dấu sự kết thúc của quá trình khai thác và sử dụng chất độc hại trong xây dựng và công nghiệp ô tô mà lần đầu tiên được khai thác ở Quebec vào giữa những năm 1870, và được biết là có tác động đến sức khỏe con người từ những năm 1970.
Theo Bộ trưởng Duncan, Canada là một trong những nước cuối cùng trong danh sách 156 quốc gia đồng ý liệt kê amiăng là chất độc hại theo Công ước Rotterdam. Chính phủ Canada cũng thông báo sẽ ký kết Công ước Rotterdam tại cuộc họp mùa Xuân năm 2017.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ung thư Canada, năm 2016 có khoảng 2.300 trường hợp bị phát hiện mắc ung thư liên quan đến amiăng trên cả nước. Khoảng 3/4 các trường hợp là ung thư phổi và 25% là ung thư biểu mô.
Amiăng là một hợp chất được sử dụng rất phổ biến trong công nghiệp từ hơn thế kỷ nay. Với những đặc tính như bền, dai, chịu nhiệt, chịu ma sát, chịu lực, cách điện, cách âm,… hóa chất này được xem là nguyên liệu lý tưởng cho nhiều vật liệu xây dựng, sản phẩm chịu ma sát như má phanh, các loại quần áo chịu nhiệt, hay trong công nghiệp hàng không, quốc phòng…
Tuy nhiên, cũng chính amiăng từ hàng chục năm nay lại được ngành y tế thế giới nhìn nhận như là một thủ phạm gây ung thư hàng đầu trong môi trường công nghiệp.
Đầu tháng 5/2015, tại Genève đã diễn ra hội nghị lần thứ 7 Công ước Rotterdam về các hóa chất độc hại được sử dụng phổ biến trong công nghiệp hay nông nghiệp. Một trong những nội dung chính được quan tâm của hội nghị là việc đưa một số hóa chất công nghiệp, trong đó có amiăng, vào danh sách các chất độc cần được quản lý chặt chẽ.
Cho đến nay, đã có hơn 50 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng amiăng, trong đó toàn bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu cấm sử dụng từ 2005. Ngoài ra, 156 quốc gia đã liệt kê amiăng là chất nguy hiểm, đồng ý đưa amiăng vào Phụ lục III Công ước Rotterdam, đồng nghĩa công nhận amiăng là chất độc cần được quản lý chặt chẽ./.
Theo Bnews