Thép cuộn cán nguội có chứa nguyên tố Bo đang dư cung tại Việt Nam nhưng vẫn được ưu đãi nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong văn bản gửi cho ông Xu Le Jiang, Chủ tịch Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, vào trung tuần tháng 9, VSA nhấn mạnh mối lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của các sản phẩm thép Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt là các dòng sản phẩm thép tấm cán nguội dạng cuộn (CRC), thép cuộn và thép hình chứa Bo.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA nói: “Ngành công nghiệp thép Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng dữ dội các sản phẩm thép tràn vào Việt Nam từ Trung Quốc với giá thấp không công bằng. Do bị thiệt hại đáng kể đối với sản xuất CRC, thép cuộn và thép hình trong nước, các công ty có liên quan tại Việt Nam đã coi đó là việc bán phá giá các vật liệu trên của Trung Quốc vào Việt Nam”.
Do vậy, VSA đề nghị Hiệp hội sắt thép Trung Quốc đóng vai trò giám sát và thực hiện các hành động cần thiết để giải quyết vấn đề này. “Nếu không, các nhà sản xuất tại Việt Nam bị ảnh hưởng sẽ đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả thương mại như chính sách phòng vệ thương mại hay hành động chống bán phá giá đối với các công ty Trung Quốc”, văn bản của VSA cảnh báo.
Thực tế vấn đề thép xây dựng Trung Quốc có chứa nguyên tố Bo (một trong những chất có thể làm gia tăng độ cứng trong thép nhưng không phải là thành phần cần thiết cấu tạo nên chất lượng thép xây dựng) đã gây ra những ầm ĩ xung quanh vấn đề gian lận thương mại tại Việt Nam từ năm 2009. Tại thời điểm đó, lợi dụng khe hở trong việc quy định tiêu chuẩn thép hợp kim được ưu đãi về thuế (mức 0%), hàng trăm ngàn tấn thép cuộn xây dựng Trung Quốc đã được “phù phép thành thép hợp kim bằng cách khai báo thêm thành phần Boron (tên gọi khác của thép Bo) với tỉ lệ tối thiểu 0,0008%, đúng tỷ lệ hưởng thuế suất 0%.
Vì tình trạng gian lận thương mại này, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu dòng thuế 72279000 (áp dụng cho dạng thanh và que của thép hợp kim khác được cán nóng, dạng cuộn không đều) từ 0% lên 10% (từ tháng 4/2009). Biểu thuế 2009 cũng nêu rõ mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% của phân nhóm 7222.90 chỉ áp dụng đối với thép cơ khí chế tạo. Các quy định này được giữ nguyên từ năm 2009 đến 2011.
Song từ năm 2012 đến nay, biểu thuế xuất nhập khẩu chỉ quy định dòng thuế 72279000 là “loại khác” với mức thuế suất 0%, trong khi “thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo” lại được xếp vào dòng thuế 98110000 với mức thuế suất 10%.
Vấn đề là các doanh nghiệp nhập khẩu không chuyển dòng khai thuế mà tiếp tục để thép Bo vào dòng thuế cũ. Với việc kê khai ở dòng thuế khác và khai báo mục đích của thép hợp kim có chứa Bo là không dùng làm cốt bê tông (dùng làm vật liệu sản xuất. đinh ốc vít, dùng trong cán kéo…) để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Khi hoàn thành việc nhập khẩu, các doanh nghiệp này bán ra thị trường như thép xây dựng.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 7-2013, lượng thép Bo nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm hơn 12% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cả nước với hơn 350.000 tấn. Con số này của cả năm 2012 là 427.000 tấn.
Tạm tính 70% số thép nhập khẩu này được bán ra thị trường dùng trong xây dựng thì trong vòng 7 tháng đầu năm 2013, nhà nước bị thất thu khoàng 420 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu, chưa tính thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Trong điều kiện ngân sách đang thất thu và chống thất thu thì số tiền này không nhỏ.
Mặt khác, việc nhập khẩu thép Bo với thuế suất 0%, sử dụng sai mục đích khai báo đã tạo điều kiện cho thép Trung Quốc lách thuế, cạnh tranh, bán phá giá với các nhà sản xuất trong nước. Trong bối cảnh thừa cung, lượng tiêu thụ thép giảm, sự ưu đãi “vô tình” này làm doanh nghiệp nội thêm khó khăn
Theo TBKTSG (QT)