Khủng hoảng thừa nguồn cung
Theo
Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam Trần Văn Huynh,
những năm gần đây ngành VLXD trong nước đối mặt với nhiều khó khăn trong
tiêu thụ sản phẩm. Lượng hàng hóa VLXD tồn kho lớn, khiến các doanh
nghiệp phải giảm sản lượng hoặc phải dừng sản xuất, trong khi hàng gian,
hàng giả ngày càng lộng hành khiến doanh nghiệp càng thêm lao đao.
Đáng
chú ý, theo đánh giá của hiệp hội, đến năm 2016, năng lực sản xuất VLXD
của toàn ngành sẽ vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20% - 30%, trong
đó bao gồm các nhóm chủ yếu như: xi măng, sắt thép, sơn, gạch gốm ốp
lát, sứ vệ sinh và phụ kiện, kính xây dựng, vật liệu không nung, đá ốp
lát…
Chỉ riêng nhóm xi măng, dự kiến trong năm 2013 nguồn cung
của thị trường trong nước đạt công suất khoảng 73 triệu tấn/năm với khả
năng sản xuất tất cả chủng loại xi măng đáp ứng yêu cầu công nghiệp và
dân dụng. Tuy nhiên, hiện mức tiêu thụ xi măng trong nước mới chỉ đạt
khoảng 50 triệu tấn/năm, do đó hơn 20 triệu tấn bị dư thừa. Bất chấp
nguy cơ dư thừa số lượng lớn như vậy, hiện nay vẫn có nhiều dự án xi
măng đang tiếp tục triển khai, nâng công suất và có khả năng chỉ trong
vài năm tới nguồn cung sẽ vượt lên trên 80 triệu tấn/năm.
Tương
tự, thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, hiện nay cả nước
có hơn 460 doanh nghiệp sản xuất thép, tăng gần 6 lần so với năm 2000
với tổng năng lực sản xuất mỗi năm là 2,13 triệu tấn gang; 7,54 triệu
tấn phôi thép; 10,87 triệu tấn thép dài; 3,35 triệu tấn thép dẹt; 2,18
triệu tấn thép ống, hộp; 2,48 triệu tấn tôn mạ. Công suất thép xây dựng
cả nước đã lên đến 9 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ của cả nước
trong những năm gần đây chỉ đạt chừng trên dưới 6 triệu tấn/năm, tùy
thời điểm.
Điều đáng nói, vẫn còn 32 dự án ngoài quy hoạch được coi là nguyên nhân lõi của cuộc khủng hoảng ngành thép hiện nay.
Xuất khẩu gặp khóĐể
giải quyết bài toán khủng hoảng thừa trong ngành VLXD hiện nay, nhiều
giải pháp cấp bách đã được các bộ, ngành triển khai. Trong đó, vấn đề
then chốt là các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường đầu tư công
nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mặt hàng và mẫu mã phù hợp với thị
hiếu người tiêu dùng; tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản
phẩm, tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất… Bên
cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển sản xuất theo
quy hoạch trên cơ sở cân đối cung - cầu của thị trường và tăng cường
xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, việc xuất khẩu VLXD hiện nay
cũng đang gặp không ít trở ngại.
Theo Phó Chủ tịch VSA Nguyễn
Tiến Nghi, nguồn cung thép hiện nay đã vượt xa cầu, buộc các doanh
nghiệp phải tính đến hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cũng
không dễ dàng vì hay vướng nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Chưa kể,
sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm và nguyên liệu để sản xuất thép đạt
con số ở mức khiêm tốn, hơn bình quân 1,5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, với
giá bán ở mức khá thấp của doanh nghiệp thép trong nước đã khiến các
nước đối tác xem xét đến phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa. Thậm
chí, Việt Nam mới chính thức tham gia xuất khẩu thép được vài năm nay,
nhưng hai sản phẩm thép cuộn cán nguội và ống thép đã có nguy cơ bị nước
ngoài kiện chống bán phá giá.
Đối với nhóm xi măng, việc xuất
khẩu cũng chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế, nhằm giảm áp lực cạnh tranh
trong nước khi cung vượt cầu quá cao, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Bởi hiện nay, thị trường thế giới cũng đang thừa xi măng, chỉ một vài
nơi thiếu trong ngắn hạn nhưng trong vòng vài năm tới các nước đã có kế
hoạch đáp ứng nhu cầu như Indonesia, Bangladesh, châu Phi…
Theo
các chuyên gia kinh tế, để việc xuất khẩu đạt hiệu quả, cần có chiến
lược, tổ chức mạng lưới xuất khẩu VLXD vào các thị trường lớn và có tiềm
năng lâu dài. Các hiệp hội nên chủ động xây dựng mạng lưới, chủ động tổ
chức hợp tác xuất khẩu, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh
tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp cần tích cực triển khai hiệu quả
những hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; tiếp cận khảo
sát và nghiên cứu thị trường để xuất khẩu những sản phẩm phù hợp; tham
gia đấu thầu các dự án xây dựng và hợp tác với các doanh nghiệp địa
phương, hợp tác xuất khẩu sản phẩm VLXD.
Theo SGGP