Bổ sung mỏ vật liệu xây dựng ở Hàm Thuận Nam phục vụ san lấp đường giao thông.
Sở Tài nguyên & Môi trường cho hay, chỉ tính riêng công trình cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ban Quản lý Dự án 7 làm chủ đầu tư (tổng chiều dài tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh 100,8 km) có nhu cầu thực tế sử dụng vật liệu san lấp là 9,2 triệu m3. Theo hồ sơ thiết kế được duyệt trước đây là 7,1 triệu m3, sau khi đã trừ đi khối lượng tận dụng đá đào nền đường để xay nghiền thành vật liệu đất đắp thì trữ lượng cần khoảng 7,5 triệu m3, trữ lượng các mỏ đất đắp đã cấp phép (kể cả 3 mỏ đã được nâng công suất 50% theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ) đang làm thủ tục cấp phép đạt yêu cầu về trữ lượng và cự ly vận chuyển khoảng 3.023.907 m3, số lượng vật liệu đạt yêu cầu của chủ đầu tư còn thiếu dự kiến khoảng 4,5 triệu m3…
Trước nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp rất lớn trên, tỉnh đã vận dụng các chính sách phù hợp để quy hoạch bổ sung, đáp ứng công trình quốc gia. Theo Nghị quyết số 110 (ngày 2/12/2019) của Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm C, khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch, thì quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Cùng với đó, UBND tỉnh gửi lấy ý kiến các Bộ: Tài nguyên & Môi trường, Công Thương, Xây dựng bổ sung các mỏ phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh. Trong thời gian chờ lập phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo quy định, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết bổ sung 8 mỏ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Bao gồm nhiều khu vực trên địa bàn huyện Bắc Bình gần công trường thi công như khu vực mỏ vật liệu san lấp tại Đông Nam núi Cà Tăng, xã Hải Ninh và xã Phan Điền, với diện tích 9,5 ha; khu vực mỏ vật liệu san lấp tại Núi Mục, xã Phan Thanh và xã Hải Ninh, diện tích 20 ha. Khu vực mỏ vật liệu san lấp tại thôn Sông Khiêng thuộc xã Sông Lũy, diện tích 25 ha. Khu vực mỏ vật liệu san lấp tại Hòn Lúp, xã Sông Bình, diện tích 25 ha. Khu vực mỏ vật liệu san lấp tại Đông Nam núi Cà Tăng, xã Hải Ninh, diện tích 13,8 ha. Khu vực mỏ vật liệu san lấp tại khu vực Đông Gòn, thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, diện tích 4 ha. Khu vực mỏ vật liệu san lấp tại xã Bình An, diện tích 10,63 ha. Cùng với khu vực mỏ vật liệu san lấp tại thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam diện tích 9,7 ha.
Vừa qua tại kỳ họp thứ 3, HĐNĐ tỉnh khóa XI đã thống nhất bổ sung 8 mỏ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai thực hiện, phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Theo Sở Tài nguyên & Môi trường, các khu vực mỏ trên sẽ cơ bản đáp ứng khối lượng đất cát san lấp cho công trình tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đồng thời sở tập trung đưa vào đấu giá một số mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường cho nhu cầu xây dựng ở nhiều địa phương.
Với việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng san lấp cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh, cùng đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhiều công trình xây dựng khác, sẽ tạo điều kiện cho công trình trọng điểm quốc gia hoàn thành đúng tiến độ, cũng như các huyện, thị có nguồn tài nguyên đất, cát dồi dào phục vụ nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm ở địa phương. Qua các công trình giao thông, xây dựng ấy sẽ tạo điều kiện tỉnh nhà khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế, xã hội vững chắc…
VLXD.org (TH/ Báo Bình Thuận)