Theo báo cáo của HoREA, phía Campuchia đang quản lý khối lượng cát lớn thuộc lưu vực sông Mekong, với trữ lượng cát có thể khai thác trong 1 năm đạt 100 triệu m³. Cát nhập khẩu về sẽ phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Trước đề xuất trên, Chính phủ đang giao 4 Bộ là: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc nhập khẩu cát từ Campuchia về để phục vụ các dự án giao thông tại khu vực phía Nam.
Quan điểm của Bộ Xây dựng liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, vài năm trở lại đây, vấn đề vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng khai thác không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng, trong đó có xây dựng đường giao thông đang diễn ra. Đặc biệt, hiện nay trên cả nước đồng loạt xây dựng nhiều dự án cao tốc khiến tình trạng thiếu cát càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là khu vực phía Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, cát xây dựng có 2 loại, một loại sử dụng trong xây dựng các dự án dân dụng và công nghiệp, do Bộ Xây dựng quản lý. Loại cát còn lại dùng trong xây dựng công trình giao thông, được Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quản lý. Cát cho xây dựng dân dụng, công nghiệp để làm bê tông thì có chất lượng tốt hơn, giá đắt hơn, còn cát đắp nền đường cho các dự án giao thông có chất lượng thấp hơn, giá rẻ hơn.
Theo ông Thành, hiện việc nhập khẩu cát từ Campuchia về làm đường cao tốc đang được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn bạc, thống nhất. Việc nhập khẩu cát thì là nhập khẩu loại nào. Cát dùng cho làm bê tông phục vụ dự án dân dụng, công nghiệp thì trước nay đã nhập rồi. Cát từ Campuchia chủ yếu là những loại cát tốt, giá cao, phục vụ dự án dân dụng, công nghiệp là chính, ông Thành nói và cho biết, nếu dùng cát này với số lượng lớn để san lấp nền móng cho dự án giao thông với số lượng lớn thì chắc chắn tốn nhiều chi phí, do đó cần cân nhắc. Hiện liên Bộ đang bàn bạc, thống nhất, nhưng quan điểm của Bộ Xây dựng là cần cân nhắc được - mất khi nhập khẩu cát loại tốt từ Campuchia vì liên quan đến chi phí.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cũng cho rằng, việc tìm các nguồn vật liệu thay thế cát trong công trình giao thông cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh những tác động môi trường, nhất là với khu vực ĐBSCL vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Về lâu dài, chúng tôi đề xuất phương án làm dự án giao thông sử dụng ít cát. Như bên Trung Quốc, châu Âu, Mỹ họ đã làm, đó là xây dựng cao tốc bằng cầu cạn. Việc này không chặn dòng chảy, hạn chế tác động đến các yếu tố môi trường, ông Thành gợi ý và cho rằng, suất đầu tư cao tốc bằng cầu cạn có thể cao hơn, nhưng chi phí bảo dưỡng cầu cạn trong suốt vòng đời dự án thấp hơn, việc thi công cũng nhanh hơn.
VLXD.org (TH)