Hai yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”. (Ảnh minh họa)
Dự báo quý III/2024 so với quý II/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định tốt lên với 28,8% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 43,1% nhận định giữ ổn định và 28,1% dự báo khó khăn hơn.
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp xây dựng. Trong quý II/2024, có 47,3% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý I/2024; 36,5% doanh nghiệp nhận định không đổi và 16,2% doanh nghiệp nhận định giảm. Quý III/2024, có 46,7% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý II/2024; 41% doanh nghiệp nhận định không đổi và 12,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Còn với yếu tố hợp đồng xây dựng mới, các doanh nghiệp nhận định hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý II/2024 với 81,1% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi; 18,9% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Trong lĩnh vực vay vốn phục vụ SXKD, có 75,8% doanh nghiệp vay ngân hàng; 12,3% doanh nghiệp vay người thân, bạn bè; 7,2% doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng khác; 3,3% doanh nghiệp vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,4% doanh nghiệp vay từ các nguồn khác.
Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng phục vụ SXKD, chỉ có 39,7% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 60,3% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.
Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động SXKD, Tổng cục Thống kê cho biết: Có 19% doanh nghiệp nhận định vay vốn quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024, 58,5% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 22,5% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn. Dự báo quý III/2024, có 17,6% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý II/2024, 61,7% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 20,7% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn quý II/2024.
Hai yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”. Theo khảo sát trong quý II/2024, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến SXKD của doanh nghiệp là yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 47,1% số doanh nghiệp; yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 46,9% số doanh nghiệp.
Dự báo trong quý III/2024, các doanh nghiệp cho rằng yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” ảnh hưởng nhiều nhất với 46,5% doanh nghiệp, yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 41,6% doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương đồng hành, hỗ trợ. Cụ thể, có 44,8% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá nguyên vật liệu; 43,5% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương xây dựng thêm các kênh hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục đấu thầu, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu.
Đồng thời kiến nghị cần quy định rõ hơn về chế tài xử phạt đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng giám sát, kiểm tra trong đấu thầu để đảm bảo việc đấu thầu được công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng có những biện pháp như cấp thêm mỏ mới, tăng công suất của các mỏ cũ hoặc có phương án điều chuyển một phần khối lượng nguyên vật liệu của những dự án có thời gian hoàn thành muộn hơn cho các dự án có yêu cầu hoàn thành sớm.
VLXD.org (TH)