Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị triển khai đề án “Tổ chức
lại ngành sản xuất và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong
sản xuất gạch ngói – gốm đỏ”.
Tỉnh Vĩnh Long có 1.127 cơ sở hình thành 7 làng nghề sản xuất gạch ngói – gốm mỹ nghệ tập trung trên địa bàn 2 huyện Long Hồ và Mang Thít. Với 2.664 lò thủ công sử dụng chất đốt là trấu, chu kỳ nung kéo dài, ngành sản xuất gạch ngói – gốm đỏ gây ô nhiễm khói bụi tại các làng nghề và làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Thực hiện đề án “Tổ chức lại ngành sản xuất gạch ngói – gốm đỏ”, từ nay đến năm 2015, tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ chuyển đổi 20 lò nung liên hoàn vào sản xuất gạch với công suất 15 triệu viên/năm và hỗ trợ xây dựng 10 lò nung liên hoàn vào sản xuất gốm mỹ nghệ. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Công ty TNHH Tân Mai ưu tiên chuyển giao miễn phí công nghệ ứng dụng lò nung liên hoàn cho các doanh nghiệp sản xuất là thành viên của Hiệp hội.
Đối với 334 cơ sở sản xuất gạch ngói và 34 cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ đang họat động, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và lập bản cam kết bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói - gốm mỹ nghệ cũng kiến nghị tỉnh Vĩnh Long cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, có chính sách giảm miễn thuế, hỗ trợ chi phí áp dụng công nghệ mới khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sản xuất.
Theo lộ trình hạn chế, xóa bỏ việc sản xuất gạch – gốm đất sét nung trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, năm 2014, tỉnh thực hiện ngừng họat động 14 cơ sở với 26 lò nung; năm 2018 tháo dỡ 261 cơ sở với 459 lò nung và đến 2020 tháo dỡ 852 cơ sở với 2.179 lò nung, thực hiện sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 30 – 40% vào năm 2020.
CFC - TTXVN
Ý kiến của bạn