Trang Popular Science đưa tin thử nghiệm dùng bỉm bẩn làm vật liệu xây dựng của một nhóm nhà nghiên cứu Đại học Kitakyushu (Nhật Bản) cho kết quả cực kỳ hứa hẹn.
>> Những loại vật liệu xây dựng nào có thể tái chế để xây nhà?
>> Xây nhà bằng vật liệu tái chế
>> Nút bần có thể tái chế làm vật liệu xây dựng
Trẻ sơ sinh cần dùng bỉm ngay từ lúc chào đời đến lúc biết ngồi bô (khoảng từ 1 tuổi rưỡi đến 3 tuổi). Vì vậy mà bỉm dùng một lần là sản phẩm tiêu dùng nhiều thứ ba tại bãi rác.
Hầu hết bỉm đều chứa các loại nhựa như polyester, polyetylen và polypropylene nên chúng sẽ tồn tại trong khoảng 500 năm trước khi phân hủy.
Thế nhưng một nhóm nhà nghiên cứu Đại học Kitakyushu đã tìm ra giải pháp tái chế. Họ kết hợp bỉm bỏ đi được giặt sạch, sấy khô rồi cắt vụn với sỏi, cát, xi măng và nước, sau đó phơi mẫu vật liệu trong 28 ngày.
Nhóm kiểm tra độ bền của vật liệu và ghi nhận kết quả cực kỳ hứa hẹn. Với một công trình 3 tầng rộng 36 mét vuông, mảnh vụn bỉm có thể thay thế 10% cát trong dầm cùng cột đỡ bê tông truyền thống.
Nếu là ngôi nhà chỉ 1 tầng thì tỷ lệ này tăng gần gấp 3 lần. Ngoài ra mảnh vụn bỉm còn thay thế được 40% lượng cát cần thiết trong vữa tường ngăn, 9% cát dùng để lát nền và lát sân vườn.
Kết quả trên rất có ý nghĩa với các quốc gia thu nhập thấp đến trung bình đang đối mặt với khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng.
Nhóm nhà nghiên cứu dùng quy tắc xây dựng của Indonesia - quốc gia ước tính thiếu đến 300.000 ngôi nhà mỗi năm - để chứng minh khả năng ứng dụng trong thực tế của vật liệu.
Theo nhóm nghiên cứu, trong tương lai cần sự hợp tác giữa nhà nước với cơ sở xử lý chất thải để tìm ra phương thức thu gom, vệ sinh và cắt vụn bỉm bỏ đi ở quy mô lớn. Quy định xây dựng của các nước cũng cần được sửa đổi để cho phép bê tông chứa mảnh vụn bỉm.
VLXD.org (TH/ 1thegioi)