Tại hội thảo “Phát triển một số loại vật liệu xây dựng tái chế, vật liệu xây dựng mới trên địa bàn Thành phố” do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức mới đây, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhận định rằng việc phát triển, sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng mới, vật liệu tái chế nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của cả nước nói chung và TP.Hà Nội nói riêng rất cần thiết.
Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành vật liệu xây dựng. Đặc biệt quan tâm tới mục tiêu phát triển ngành vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, phát triển vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường.
Nổi bật là Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng tới 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020; Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung ở Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021, với quan điểm tận dụng tối đa nguồn phế thải có thể tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu không nung;
Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 179/QĐ-TTg, trong đó đặt mục tiêu phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển vật liệu xây dựng mới.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, đánh giá trong những năm qua, ngành vật liệu xây dựng cũng không ngừng đầu tư, đổi mới và phát triển. Các nhà máy mới đã áp dụng một số công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại; nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng một số nước tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời, trước đòi hỏi ngày càng cao về sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu nói chung và công nghiệp vật liệu xây dựng nói riêng, không ít sản phẩm vật liệu xây dựng mới ra đời, các loại vật liệu này được xem là giải pháp tiên tiến khắc phục những hạn chế của vật liệu truyền thống.
Ngoài ra, còn một số chủng loại vật liệu xây dựng mới đã và đang bắt đầu du nhập vào thị trường Việt Nam. Đáng chú ý có sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng vật liệu nano, đá ốp lát nhân tạo, gạch làm mát, kính tiết kiệm năng lượng…
Mặc dầu vậy, đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng vẫn còn những hạn chế. Do đó, về giải pháp phát triển ngành vật liệu mới vào thời gian tới, theo ông Bắc, cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường cho sản phẩm vật liệu mới; đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học – công nghệ theo hướng giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với đề tài, dự án cấp bộ, cấp Nhà nước.
Đồng thời, làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm vật liệu mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ công nghệ trong các doanh nghiệp vật liệu; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập, tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới từ những quốc gia phát triển.
VLXD.org (TH)