Nhắc đến nhà cửa, thông thường mọi người chú tâm rất nhiều về kết cấu, ngoại thất với mong muốn công trình được bảo vệ tốt nhất khỏi yếu tố ngoại quan. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, vì không gian sinh hoạt chính là nội thất cũng cần sự quan tâm nhiều không kém.
Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO (World Health Organization), ô nhiễm không khí trong nhà dẫn đến hơn 4 triệu ca tử vong sớm ở trẻ em và người lớn trong năm 2012. Trong số 4,3 triệu người chết hàng năm do tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí trong gia đình, phần lớn bị chết vì đột quỵ (34%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (26%) và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (22%). Viêm phổi và ung thư phổi lần lượt chiếm 12% và 6% tử vong.
Mức độ của các chất độc hại tiềm ẩn trong không khí trong nhà thường vượt quá mức cho phép bên ngoài và đôi khi lớn hơn mức phơi nhiễm công nghiệp cho phép. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho thấy, một người bình thường dành khoảng 90% thời gian của mình trong không gian nội thất (nhà, văn phòng làm việc,…). Phơi nhiễm công nghiệp trung bình chỉ 40 giờ một tuần, nhưng một trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất ô nhiễm tại nhà trong gần 24 giờ một ngày.
Vậy lý do vì sao ngay trong chính ngôi nhà mà chúng ta chăm chút lại tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cao đến vậy?
Nguyên nhân chính đến từ các phát thải trong không khí từ những vật dụng và trang thiết bị nội thất như formadehyde (phoóc-môn), hợp chất hữu cơ bay hơi độc hại V.O.C (Volatile organic compounds), chì, thủy ngân, nấm mốc,… Đặc biệt, những chất này tác động đến sức khỏe con người một cách tích lũy và từ từ theo thời gian, vậy nên, chúng ta khó mà phát hiện được ngay để ngăn chặn mà chỉ đến khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường thì mới phát giác ra.
Để phòng ngừa những mối nguy hại xảy ra đối với gia đình, gia chủ cần lưu ý đến các vấn đề sau:
Sử dụng vật liệu an toàn: không chứa clo-phenol hoặc nồng độ V.O.C thấp (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Đây là một yếu ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong văn phòng hoặc không gian làm việc vì sự thông gió trong những môi trường này không phải lúc nào cũng tối ưu, cần lưu ý đến việc thông thoáng để không khí được lưu thông tốt nhất.
Vệ sinh: Đảm bảo mức độ vệ sinh cao được duy trì trong suốt vòng đời của vật liệu được sử dụng. Một bề mặt cho phép nấm mốc phát triển đều đặn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí cũng như gây bệnh cho con người. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nơi có yêu cầu cao về vệ sinh như: trung tâm y tế, bệnh viện, không gian sinh hoạt của trẻ em, trường học,…
Không gian sinh hoạt, làm việc cần đảm bảo vệ sinh và an toàn tối đa.
Trồng cây thanh lọc không khí: Trồng cây xanh là biện pháp tốt nhất để thanh lọc không khí trong ngôi nhà. Theo một nghiên cứu, không khí bên ngoài ít ô nhiễm hơn trong nhà rất nhiều lần. Mỗi buổi sáng thức dậy, nếu thấy không khí trong lành, chúng ta nên mở cửa sổ ra để không khí được lưu thông, giảm bớt bụi bẩn. Hãy lựa chọn cho mình một hoặc nhiều loại cây trong số lô hội, lưỡi cọp hay dây nhện. Không những chúng có khả năng loại bỏ một lượng lớn bụi bẩn, mà còn rất nhanh, rất hiệu quả. Hầu như tất cả loại cây này đều dễ trồng và dễ chăm sóc.
Sử dụng các sản phẩm tẩy rửa an toàn: Chất tẩy rửa là một trong những sản phẩm dễ chứa những chất hóa học độc hại cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì thế, chúng ta phải lựa chọn thật kỹ các sản phẩm tẩy rửa cho gia đình.
Giặt thảm: Thảm cũng là vật mà gia chủ nên chú ý quan tâm làm sạch, giũ bụi thường xuyên hoặc có thể dùng baking soda và nhỏ vài giọt tinh dầu lên thảm rồi dùng máy hút lại bột còn dư trên thảm. Vệ sinh thảm là điều rất cần thiết vì rất một chiếc thảm bẩn sẽ mang lại nhiều vi khuẩn bám lên trên người trẻ em cũng như người lớn, là “ổ vi khuẩn” mà ta không ngờ đến nhất.
VLXD.org (TH/ NSKT)
Ý kiến của bạn