Hệ lụy từ nguồn cát khan hiếm
Khảo sát thị trường cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, giá cát đang ở mức cao kỷ lục, với giá giao động từ 300.000 - 350.000 đồng/m3 tại bãi, chưa tính cước vận chuyển. Mỗi m3 cát khi đến chân công trình có giá từ 400.000 – 500.000 đồng. Mức giá cao gấp hơn 3 - 4 lần so với những năm trước đây, nhưng không dễ gì mua được. Nhiều chủ đầu tư loay hoay tìm phương án để giải quyết tình trạng này nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả.
Đây cũng là lần đầu tiên tình trạng khan hiếm và giá cát tăng cao xảy ra tại địa bàn tỉnh, dự báo giá cát xây dựng sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, bởi cung không đủ cầu.
Từ đầu năm đến nay, nguồn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trở nên khan hiếm.
Tình trạng này kéo dài thì hệ lụy không chỉ với thị trường cát sạn mà hàng loạt công trình xây dựng, kể cả những dự án trọng điểm sẽ bị chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi. Nếu không có giải pháp, thực trạng trên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương.
Chủ một bãi cát ở An Lỗ, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) cho biết: Trên tuyến sông Bồ trước đây có đến 2 mỏ khai thác cát sỏi, từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ còn lại 1 mỏ cát sỏi của Công ty TNHH Tuấn Hải, khiến chủ mỏ tùy tiện tăng giá và mỗi ngày chỉ cho phép mỗi thuyền khai thác từ 1 - 2 thuyền, khiến nguồn cát trở nên khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, người dân đến đặt mua với giá cao nhưng vẫn không có hàng để bán.
Dọc tuyến sông Hương, các mỏ cát, sỏi được cấp phép khai thác đã hết thời hạn, trữ lượng và vi phạm về độ sâu khiến vào tháng 10 - 11/2018, UBND tỉnh đã đình chỉ khai thác và thu hồi giấy phép của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hồng Phát, Công ty CP Châu Thành Phát, Công ty CP Xây dựng 939 khai thác cát sỏi ở khu vực bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều). Hiện trên tuyến sông Hương không còn mỏ cát sỏi nào được UBND tỉnh cấp phép cho khai thác khiến nguồn cát trở nên khai hiếm hơn.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng, các dự án được phê duyệt và giá đấu thầu xây lắp ban đầu với giá vật liệu cát sỏi rất thấp nhưng năm nay giá cát sỏi tăng cao gấp nhiều lần giá phê duyệt khiến công trình đội vốn, chi phí xây dựng tăng cao làm cho nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đại Viện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế cho biết: Nguyên nhân giá cát tăng cao là do các mỏ cát sỏi trên các sông bị đóng cửa, các cơ quan chức năng siết chặt quản lý. Tình trạng khan hiếm cát xây dựng và giá sẽ tăng cao đã được UBND tỉnh dự báo, tuy nhiên, tình trạng khan hiếm cát xây dựng đã xảy ra sớm hơn dự báo trước 1 năm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu nguồn vật liệu thay thế cát dòng sông và Sở cũng đang triển khai.
Tìm phương án thay thế cát lòng sông
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Thông báo kết luận “về nguồn nguyên vật liệu thay thế đối với cát làm vật liệu xây dựng thông thường và phương án để có nguồn nguyên liệu cát phục vụ kịp thời nhu cầu của thị trường hiện nay”.
Kết luận nêu rõ, đối với công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách: Nghiêm cấm các chủ đầu tư sử dụng cát đổ bê tông, xây, tô để san lấp mặt bằng, nền công trình và sử dụng không hợp lý nguồn khoáng sản cát. Các sở, ngành trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán phải kiểm tra chặt chẽ nguồn vật liệu cát đưa vào công trình; không thẩm định hoặc từ chối thẩm định đối với các công trình sử dụng cát đổ bê tông, xây, tô để san lấp mặt bằng, nền công trình, sử dụng không hợp lý nguồn khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng vào công trình. Đối với các trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến của UBND tỉnh trước khi thực hiện.
Nhằm đảm bảo nguồn cung đối với cát làm vật liệu xây dựng thông thường cho thị trường trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh năm 2018 - 2019.
Trước mắt tập trung tổ chức đấu giá đối với khoáng sản cát, sỏi nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Sở Giao thông vận tải căn cứ Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa để chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các điểm cần nạo vét, khơi thông, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo Nghị định nhằm tận dụng nguồn cát, sỏi dôi dư để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, trong đó cần triển khai ngay các điểm đã được xác định; Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương và các thủy điện kiểm tra, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh phương án xây dựng các đập chắn để tận thu nguồn cát làm vật liệu xây dựng tại các khe, suối đổ vào các hồ thủy điện.
Liên quan đến việc điều tra, khảo sát cát nội đồng có khả năng làm vật liệu xây dựng thông thường thay thế cát lòng sông và các điểm mỏ đá phù hợp với khả năng nghiền, xay thành cát nhân tạo để sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát xây dựng nhằm xây dựng các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)