Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu
tiêu thụ thép trong tháng 11 tăng khá. Sản lượng bán hàng
thép xây dựng của các thành viên VSA tháng 11/2014 đạt 457.460 tấn, tăng 7,79% so với cùng kỳ 2013. Tính chung 11 tháng, các DN bán được 4.742.220 tấn
sắt thép, tăng 12,50% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 526.956 tấn.
Tuy nhiên,
giá cả các mặt hàng thép không tăng nhiều so với đầu năm do tình hình xây dựng chậm, nhất là trong lĩnh vực nhà ở cư dân. Cụ thể, đối với thép cuộn phi 6 và phi 8 của Thép Việt Nhật giá 12.900 đồng/kg, Thép Miền Nam 12.700 đồng/kg, Thép Pomina giá 12.800 đồng/kg và Thép Hòa Phát 12.600 đồng/kg. Còn thép 10 và thép 12 của Việt Nhật giá 88.100 đồng/kg và 127.200 đồng/kg, Thép Miền Nam là 83.600 đồng/kg và 123.300 đồng/kg, Thép Pomina là 84.600 đồng/kg và 124.000 đồng/kg và Thép Hòa Phát là 80.000 đồng/kg và 125.000 đồng/kg.
Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, mặt hàng thép vào cuối năm nay nhu cầu không tăng nhiều. Nếu tính cả năm thì sản lượng thép của Thép Việt tăng 8% so với năm ngoái. Giá các mặt hàng thép còn thấp hơn năm ngoái và khi các DN có nhu cầu bao nhiêu thì đến mua bấy nhiêu chứ không còn đặt đơn hàng trước như mọi khi.
Với mặt hàng
xi măng, theo thống kê của các DN thuộc Bộ Xây dựng, tình hình
tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa tăng cao so với cùng kỳ. Bước vào mùa xây dựng, tháng 11, lượng
tiêu thụ xi măng đã tăng trở lại, đạt 4,52 triệu tấn. Nếu tính chung 11 tháng của năm 2014 thì lượng tiêu thụ nội địa đạt 46,16 triệu tấn, bằng 95% so với kế hoạch năm.
Xuất khẩu 11 tháng clinker và xi măng ước đạt 18,3 triệu tấn, trong đó
xuất khẩu xi măng ước đạt 3,7 triệu tấn.
Giá bán xi măng tại các nhà máy của Vicem từ tháng 10/2014 tăng 50.000 đồng/tấn so tháng 9/2014. Giá bán lẻ xi măng tháng 10/2014 tăng nhẹ so với tháng 9/2014, mức tăng khoảng 20.000 - 50.000 đồng/tấn, tại các tỉnh miền Nam, giá bán lẻ phổ biến từ 1.460.000 - 1.850.000 đồng/tấn.
So
sánh với cùng kỳ năm 2013, một số mặt hàng vật liệu xây dựng có mức tiêu
thụ tăng khá tốt. Các mặt hàng
đá ốp lát, dù hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp hơn nhưng giá cả cũng cao hơn nhiều, nên theo đại diện của DN tư nhân thương mại Thạnh Lộc, quận Tân Bình, người dân vẫn chuộng sử dụng hàng trong nước với thương hiệu gạch Đồng Tâm được ưa chuộng nhất vì chất lượng bền và giá cả hợp lý.
Đối với
gạch men lát nền 40, giá của Đồng Tâm là 145.000 đồng/m2, giá Prime giá 105.000 đồng/m2, Bạch Mã giá 134.000 đồng/m2. Gạch men lát nền 60 của Prime có giá 260.000 đồng/m2, Đồng Tâm giá 242.000 - 272.000 đồng/m2, Bạch Mã giá 323.300 đồng/m2. Đối với gạch nhập loại 60 thì giá lên tới hơn 400.000 đồng/m2…
Mặt hàng gạch men lát nền Trung Quốc có giá cao hơn các mặt hàng trong nước, với 200.000 đồng/m2 đối với gạch 40 và 300.000 đồng/m2 đối với gạch 60.
“Những tháng cuối năm, cơ quan chức năng kiểm soát chặt xe quá tải trọng nên chi phí vận chuyển tăng lên nhiều, làm giá
gạch lát nền tăng 10.000 - 20.000 đồng/m2 so với mức giá đầu năm”, đại diện Công ty Thương mại Thạnh Lộc cho biết.
Theo ông Đào Trọng Nhân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đá Nữ Hoàng (QueenStone), thông thường, những tháng cuối năm là giai đoạn vào mùa của vật liệu xây dựng vì nhu cầu xây sửa nhà của người dân tăng, chủ đầu tư cũng tăng tốc hoàn thiện dự án để kịp tiến độ bàn giao. Tuy nhiên, so với năm ngoái, sản lượng gạch men lát nền của Công ty không tăng dù 3 tháng cuối năm cung cấp ra thị trường tăng 30% so với những quý đầu năm.
“Trên thực tế, thị trường
vật liệu xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thị trường
bất động sản. Các công trình xây dựng hoàn thiện được tính theo chu kỳ vài năm. Do vậy, nhu cầu về vật liệu xây dựng đã được tính toán từ lúc công trình khởi công, nó tạo ra một nhu cầu ứng trước, nên nếu không có nhiều công trình xây dựng thi công thì thị trường vật liệu xây dựng không có gì đột phá. Hy vọng thị trường bất động sản năm 2015 có nhiều dự án được xây dựng mới, như thế sẽ kéo theo sự chuyển động mạnh mẽ của thị trường vật liệu xây dựng”, ông Nhân hy vọng.
Theo ĐTCK