Theo ý kiến của giới chuyên gia, bùn thải tại nhiều sông, hồ ở nội thành Hà Nội (như sông Tô Lịch, Kim Ngưu; hồ Tây, Hoàn Kiếm...) có chứa nhiều chất hữu cơ nên có thể tận dụng làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng. Giải pháp này không chỉ mở ra tương lai cho việc làm sạch các sông, hồ, mà còn cải thiện vấn đề nguyên liệu.
Biến bùn thải thành… xi măng
Nói về ý tưởng trên, ông Phạm Văn Nhận, thành viên HĐTV Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết tiềm năng xử lý chất thải trong ngành Xi măng rất lớn, bởi giải pháp này có thể xử lý triệt để các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại với khối lượng lớn, do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác.
Đặc biệt, quá trình xử lý chất thải trong ngành Xi măng cũng góp phần cho tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7; nhờ đó không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Theo đại diện Vicem, từ cuối năm 2019, Tổng Công ty này đã thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng đồng thời tăng sử dụng tro xỉ và thạch cao nhân tạo… Sau một thời gian thử nghiệm, đến năm 2020, Vicem đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất, bao gồm: nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long và Hà Tiên với tổng khối lượng bùn thải lên tới 15.000 tấn. Tiếp đó, năm 2021, Vicem đã nâng khối lượng xử lý bùn thải lên 70.000 tấn, giúp thay thế 3 - 5% khối lượng nguyên liệu sét trong nguyên liệu sản xuất xi măng.
Trước những kết quả khả quan của công nghệ đưa chất thải vào làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng, từ cuối năm 2021, Vicem Bút Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại. Sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị đã xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại.
Trong năm 2022, kế hoạch của Vicem là sẽ xử lý 86.000 tấn bùn thải. Kết quả thử nghiệm trên đã phần nào cho thấy để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong sản xuất ximăng thì một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng nhất là thay thế nguồn nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu từ rác, chất thải.
Thế nhưng, vướng mắc của Vicem và ngành sản xuất xi măng ở Việt Nam nói chung hiện nay là vẫn khó tiếp cận được nguồn bùn, chất thải công nghiệp thông thường, nhất là bùn thải ở sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Yên Sở do vướng từ cơ chế.
Cơ hội làm sạch sông hồ
Theo GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, bùn thải ở sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm hoặc bùn thải ở các hồ, ao tại các làng nghề… chứa nhiều chất hữu cơ. Đặc trưng của chất hữu cơ là rất dễ cháy, sau cháy có carbon chính là một thành phần của xi măng.
Ông Nhuệ cũng lưu ý trên thực tế, không phải bùn thải ở sông, hồ nào cũng làm được nhiên, nguyên liệu làm xi măng, mà chỉ những nơi có nhiều chất hữu cơ. Quy trình xử lý bùn thải thành nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng thường sẽ phải hút từ đáy sông, hồ lên rồi vận chuyển đến nơi chứa, làm khô, sau đó mới đốt cháy được. Ưu điểm là quá trình đốt bùn thải cùng với các nguyên liệu khác trong lò nung đã có công nghệ xử lý khí nên hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường.
Khi đưa chất thải, bùn thải vào sản xuất xi măng, điều đầu tiên các nhà máy xi măng lo lắng là liệu có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hay không. Nếu chứng minh không ảnh hưởng thì có thể đưa vào làm nhiên, nguyên liệu được. Điều này vừa giúp tiết kiệm tài nguyên, lại làm giảm phát thải, ông Nhuệ chia sẻ.
Với ý nghĩa trên, mới đây, đại diện Vicem cũng đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng và kiến nghị các bộ, ngành liên quan hghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể chi phí xử lý cho từng loại chất thải và công bố công khai để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn phát thải.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong phát triển bền vững, đầy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thì không còn gì gọi là rác vì đầu ra của ngành này lại là đầu vào của ngành khác. Nhưng để làm được như vậy, cần phải rõ ràng về cơ chế chính sách, định hướng, kỹ thuật, công nghệ, ý thức cộng đồng và việc tổ chức bài bản. Vì thế, trong thời gian tới, theo các chuyên gia, nếu ngành sản xuất xi măng chứng minh đủ năng lực xử lý toàn bộ bùn thải, chất thải làm nguyên, nhiên liệu đầu vào thì sẽ mở ra được hướng bảo vệ môi trường cho nhiều sông, hồ, ao trên cả nước.
Nói thêm về vấn đề trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định pháp luật hiện nay không cấm nhà máy sản xuất xi măng xử lý bùn thải, chất thải công nghiệp thông thường. Hơn thế, theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn thì đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành kia và nhà nước rất khuyến khích.
Tuy nhiên, không phải nhà máy sản xuất xi măng nào cũng có thể tham gia quá trình đồng xử lý chất thải, bùn thải mà phải có đề án, đầu tư công nghệ, thử nghiệm, chứng minh đảm bảo. Hiện đã có một số nhà máy sản xuất xi măng đáp ứng và được cho phép tham gia xử lý chất thải, trong đó có một số đơn vị của Vicem.
VLXD.org (TH/ CNMT)