Các sông, suối trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thường nhỏ, lượng cát thu được không lớn, lẫn nhiều tạp chất nên không thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư trong khi các đơn vị được cấp phép chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế nên việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ khai thác hiện đại còn khó khăn, việc khai thác còn nhiều khâu thủ công dẫn đến chi phí đầu tư lớn, từ đó kéo theo giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với cát sỏi của các tỉnh lân cận.
Ảnh minh họa
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực nhiệm vụ khảo sát, đánh giá chất lượng khoáng sản, dự tính quy mô tài nguyên khoáng sản đối với 30 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn (trong đó có 7 khu vực đá vôi, 14 khu vực cát sỏi lòng sông, 3 khu vực cát đồi, 1 khu vực cát đồi và đất san lấp, 3 khu vực đất san lấp, 2 khu vực đất sét làm gạch).
UBND tỉnh cũng quan tâm công tác cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bắc Kạn cấp 13 Giấy phép thăm dò khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, trong đó 10 mỏ đã hoàn thành công tác thăm dò; cấp 12 giấy phép khai thác khoáng sản.
Các mỏ vật liệu xây dựng thông thường cấp phép chủ yếu là các mỏ có diện tích, quy mô nhỏ đến rất nhỏ, không có mỏ có diện tích lớn.
Trên địa bàn tỉnh, việc khai thác đá vôi chủ yếu phục vụ cho các công trình dân dụng nên công suất các mỏ thấp, thường từ 8.500 m3/năm đến 55.000 m3/năm.
Thành phố Bắc Kạn là một trong những địa phương có hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường diễn ra khá sôi động; các mỏ, điểm mỏ được tỉnh cấp phép khai thác còn hiệu lực tập trung chủ yếu tại các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng, nơi đây có mỏ đá Suối Viền, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn là mỏ duy nhất của tỉnh có công suất 100.000 m3/năm.
Để quản lý cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát các mỏ khai thác đá vôi, cát sỏi, hằng năm, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra có sự tham gia của chính quyền các địa phương có mỏ đang hoạt động. Qua kiểm tra phát hiện, chỉ ra những tồn tại, bất cập trong hoạt động khai thác đá xây dựng và yêu cầu các doanh nghiệp khai thác phải khắc phục.
Mặc dù nhu cầu cát sỏi của thị trường rất lớn, tuy nhiên, tiềm năng cát sỏi của tỉnh không nhiều. Các mỏ cát sỏi trên địa bàn tỉnh có trữ lượng rất thấp nên việc cấp phép phải gắn với việc khai thác tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Các mỏ cát có công suất cấp phép trung bình từ 4.000 m3/năm đến 10.000 m3/năm, chỉ có 2 mỏ tại huyện Ba Bể có công suất cấp phép là 48.000 m3/năm. Tuy vậy, công suất khai thác thực tế của các mỏ cũng không đạt công suất thiết kế do địa hình đồi núi;
Các sông, suối trên địa bàn tỉnh thường nhỏ, lượng cát thu được không lớn, lẫn nhiều tạp chất nên không thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư; các đơn vị được cấp phép chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế nên việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ khai thác hiện đại còn khó khăn, việc khai thác còn nhiều khâu thủ công dẫn đến chi phí đầu tư lớn, từ đó kéo theo giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với cát sỏi của các tỉnh lân cận. Các công trình chủ yếu vẫn mua cát từ tỉnh ngoài vận chuyển về.
Hiện nay, tỉnh cũng đã khuyến khích các đơn vị khai thác cát đầu tư công nghệ, thiết bị, máy móc để sản xuất cát nghiền (cát nhân tạo) từ sản phẩm cuội, sỏi.
VLXD.org (TH)