DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Công ty CP xi măng Thăng Long mở rộng thị trường tiêu thụ

18/11/2012 - 02:40 CH

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, để trụ vững, rõ ràng các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất phải có chiến lược phát triển phù hợp, tăng cường xây dựng các đối tác chiến lược để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhìn từ thực tế quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty CP Xi măng Thăng Long trong hơn 1 năm qua có thể thấy những giải pháp tiếp cận thị trường của doanh nghiệp này đã từng bước đem lại hiệu quả.

Công ty CP Xi măng Thăng Long được thành lập năm 2001 bởi các cổ đông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tuy vậy, mãi tới cuối năm 2008, Nhà máy Xi măng Thăng Long (xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ) mới chính thức vận hành và bắt đầu có sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Trong giai đoạn đầu, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ hạn hẹp, công tác quản lý doanh nghiệp nhiều hạn chế. Về sản xuất, mặc dù máy móc công nghệ đặt tại Nhà máy Xi măng Thăng Long khá hiện đại nhưng do việc bảo trì, bảo dưỡng chưa được chú trọng nên khi vận hành đã liên tục xảy ra trục trặc kỹ thuật, phải dừng lò. Hệ quả là chi phí đội lên nhiều lần; việc xuất hàng ra cảng, băng tải đứt thường xuyên khiến cho sản phẩm xi măng chậm đến nhà phân phối. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty, khó khăn nhất trong hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua không phải trong khâu sản xuất mà chính là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong một thời gian dài, do việc lựa chọn các đại lý tiêu thụ sản phẩm rất yếu, nhiều đại lý không đủ năng lực tài chính, mạng lưới bán hàng kém dẫn tới hiệu quả bán hàng thấp, sản phẩm làm ra không bán được… Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2011 khi tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, nhiều bạn hàng nước ngoài hợp tác thường xuyên với Công ty do thiếu vốn đã dừng các đơn đặt hàng; sản lượng tiêu thụ nội địa ngày càng tụt giảm. Điều này dẫn đến nguy cơ về dư thừa hàng hoá ngày càng tăng cao.


Vận chuyển xi măng đến nơi tiêu thụ.

Để khắc phục điều này, Công ty đã từng bước thay đổi phương thức kinh doanh nhằm thích ứng hơn với thị trường. Theo đó, Công ty chọn các nhà phân phối có năng lực thực sự và hoạt động hiệu quả; đồng thời tiếp tục mở rộng mạng lưới cung ứng sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó, đặc biệt quan tâm chú trọng tới việc mở rộng thị trường ở Quảng Ninh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Từ chỗ chỉ cung ứng hàng cho một vài nhà phân phối chính, đến nay, Công ty đã có khoảng 80 đại lý phân phối chính và trên 3.000 cửa hàng VLXD ở các tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với đó là việc tăng lượng tiêu thụ xi măng rời tại các công trình dự án lớn như dự án cao tốc của Tập đoàn Posco; dự án Keangnam Hà Nội, đô thị Văn Khê, Times City, đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh… Công ty cũng tăng cường tìm hiểu các thị trường tiềm năng và đã ký nhiều hợp đồng dài hạn với các đối tác lớn để xuất khẩu xi măng và clinker ra nhiều nước tại châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh. Đến nay, lượng hàng tồn kho của Công ty cơ bản đã tìm được nơi tiêu thụ.

Song song với việc tìm kiếm đối tác chiến lược, hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đã được Công ty CP Xi măng Thăng Long triển khai thực hiện trong năm 2012. Cụ thể, nếu như trước đây nhà máy Xi măng Thăng Long sử dụng nguyên liệu đốt là than cám với giá thành khá đắt (than cám loại 3C, giá khoảng từ 2,5-2,6 triệu đồng/tấn) thì từ ngày 31-5, nhà máy đã chuyển sang sử dụng loại than có giá thành rẻ hơn gần một nửa. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất nguyên liệu cần thiết nên với loại chất đốt mới, nhà máy vẫn đảm bảo hoạt động và cho ra sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng yêu cầu. Ước tính, từ việc thay đổi nguyên liệu đốt, mỗi tháng Nhà máy Xi măng Thăng Long đã tiết kiệm được khá lớn tiền nguyên liệu. Công tác bảo trì, bảo dưỡng dây chuyền máy móc thiết bị thường xuyên được quan tâm, qua đó, nhà máy được vận hành ngày càng ổn định, nâng cao được năng suất.

Được biết, trong những tháng cuối năm, các chi nhánh của Công ty tiếp tục đưa ra các hình thức kinh doanh linh hoạt, tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm hoàn thành kế hoạch tiêu thụ nội địa và sản phẩm xuất khẩu đã đề ra; đa dạng hoá sản phẩm với chủng loại xi măng mác cao PCB 50 chuyên dùng cho các công trình công nghiệp quy mô lớn, cầu đường, bến cảng… Hy vọng, với những giải pháp này, Xi măng Thăng Long ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường.

Theo Báo Quảng Ninh

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng