DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Doanh nhân Trịnh Xuân Lâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hoá: “Tôi luôn tận dụng mọi cơ hội trong khó khăn”

14/11/2013 - 07:43 SA

Ông nổi tiếng ở xứ Thanh là người đem lại nhiều lợi ích cho người lao động. Đồng thời cũng nổi tiếng là con người không chịu khuất phục số phận, hoàn cảnh. Không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để đưa doanh nghiệp tiến lên những tầm cao mới. Tất cả những việc ông làm với mong muốn thật giản dị: Đem lại thật nhiều việc làm cho người lao động. Đó là Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm- Tổng giám đốc Tổng Công ty Tiên Sơn Thanh Hoá ( tỉnh Thanh Hóa).
Góp nhặt để đi lên

Năm 1990, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm quyết định đưa gia đình rời huyện Nga Sơn lên thị xã Bỉm Sơn trong điều kiện kinh tế rất eo hẹp. Lên nơi ở mới, ông Lâm phải bươn chải bằng đủ thứ nghề để mưu sinh, từ thu mua xi măng vụn của nhà máy xi măng Bỉm Sơn, sắt thép phế liệu. Bốn năm dong duổi khắp các tỉnh thành phía Bắc, Trịnh Xuân Lâm học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về con đường kinh doanh, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân. Theo ông Lâm, mình muốn làm ăn lớn thì phải cần mở công ty, làm ăn có hợp đồng, văn bản ký kết chứ không manh mún như cái nghề thu mua sắt thép phế thải nhặt nhạnh từng kilôgam được nữa.


Tổng Giám đốc- Tổng Công ty Tiên Sơn Trịnh Xuân Lâm

Năm 1995, có được ít vốn ông Lâm quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn gồm 10 lao động. Đây là công ty TNHH đầu tiên tại Thị xã Bỉm Sơn. Ngành nghề chính của công ty là kinh doanh thương mại tổng hợp và mua bán vật liệu xây dựng, sắt thép phế thải, xén giấy và đóng gạch Block. Doanh thu năm đầu tiên thành lập đạt 70 triệu đồng, nộp ngân sách 1,5 triệu đồng.

Dấu ấn đáng ghi nhớ, tạo bước đột phá mạnh mẽ của Công ty Tiên Sơn là thời điểm khi công ty trúng thầu trên 1 nghìn tấn phế thải của công trình nhà máy xi măng Nghi Sơn. Trong thương vụ này, Tiên Sơn thu lãi 10 tỷ đồng. Trịnh Xuân Lâm đã mạnh dạn dốc toàn bộ số tiền này để đầu tư, mua sắm xe ô tô tải và ký hợp đồng vận tải, xếp dỡ hàng hoá cho các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Tam Điệp, Hoàng Mai, nhà máy đường Lam Sơn… Mỗi năm, năng lực vận tải và xếp dỡ hàng hoá của Tiên Sơn đạt từ 800 - 1 triệu tấn, thị trường vươn rộng ra phạm vi toàn quốc.

Nắm thời cơ tăng tốc

Khi có điều kiện được cùng đi tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra nước ngoài công cán, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm có cơ hội mở rộng tầm nhìn và học tập tư duy kinh doanh của các công ty, tập đoàn lớn ở các nước phát triển. Hơn 40 nước đến thăm, Trịnh Xuân Lâm đều quan sát rất kỹ thị trường. Ông học được cách áp dụng tiến bộ khoa học của các nước tiên tiến để đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật làm ra sản phẩm xuất khẩu. Từ sắt thép phế thải đến vận tải hàng hóa đều đem lại những thành công ban đầu cho công ty. Giờ đây Công ty tiên Sơn tiếp tục đầu tư sang một lĩnh vực khác để vươn ra thị trường thế giới.

Năm 2002, Công ty Tiên Sơn đã ký Hợp đồng liên kết sản xuất với một đối tác Australia để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Năm 2003, lô hàng đầu tiên với 1 nghìn sản phẩm hàng gỗ thủ công mỹ nghệ được xuất sang thị trường Australia. Hiện nay, quy mô sản xuất mặt hàng này của công ty đạt 130 - 150 nghìn sản phẩm/năm. Nhờ vậy, đem lại giá trị xuất khẩu đạt 1 triệu USD, thu hút khoảng 300 lao động. Đang trên đà phát triển, Trịnh Xuân Lâm có ý định mở tiếp sang hướng may mặc xuất khẩu.

Năm 2006, trong lúc đang loay hoay tìm địa điểm để xây dựng nhà máy may công nghiệp thì Chi nhánh may Sơn Hà của Công ty cổ phần may 40 Hà Nội tại Bỉm Sơn lâm vào phá sản. Tận dụng cơ hội này, Trịnh Xuân Lâm đầu tư gần 20 tỷ đồng mua lại toàn bộ cơ sở vật chất đang dở dang của Sơn Hà trên diện tích 4,5 ha cùng 300 lao động. Dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Trịnh Xuân Lâm, chỉ trong thời gian ngắn đã vực dậy được xưởng may, thu hút thêm 600 công nhân may hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, trong những năm gần đây khi nhiều doanh nghiệp lao đao với cuộc đại suy thoái kinh tế thì Tổng Giám đốc Trịnh Xuân Lâm không chỉ chèo lái con thuyền Tiên Sơn vượt qua được sóng gió, mà còn mở rộng quy mô sản xuất, tạo thị phần lớn tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Tổng công ty Tiên Sơn đã mở thêm xí nghiệp may xuất khẩu tại huyện miền núi Thạch Thành năm 2007. Đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng thêm 2 xưởng may xuất khẩu tại Bỉm Sơn và huyện Nga Sơn. Tiếp đến là nhà máy may tại huyện Yên Định có vốn đầu tư 90 tỷ đồng, thu hút được gần 4 nghìn lao động. Cho đến nay, chưa tính số lao động tại nhà máy may Việt Thanh - Thanh Hoá mà Công ty vừa nắm giữ 45% cổ phần, thì số lượng lao động đang làm việc tại Tổng Công ty Tiên Sơn là trên 4 nghìn người. Đặc biệt trong số đó, có đến 2/3 là con em cựu chiến binh, gia đình chính sách và hàng trăm lao động là người khuyết tật.

Tổng Giám đốc Trịnh Xuân Lâm cho biết: khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, Tiên Sơn cũng gặp khó khăn, nhất là tiếp cận với vốn vay ngân hàng, thị trường tiêu thụ... Tuy nhiên, khi được nhà nước kích cầu, giá cả nhiều mặt hàng ưu đãi, chúng tôi xem đây như một cơ hội mở rộng đầu tư, tái cơ cấu lại sản xuất. Do vậy đến năm 2012, giá trị xuất khẩu của Tiên Sơn đạt trên 80 triệu USD. Dự kiến năm 2013, doanh thu của Tổng Cty đạt khoảng 120 triệu USD.

Với cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm, chưa bao giờ ông hài lòng với công việc kinh doanh của mình. Vì khi những ngành nghề này chưa giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho xã hội và đặc biệt là cuộc sống của hàng trăm gia đình cựu chiến binh, những đồng đội một thời cùng ông vào sinh ra tử ở chiến trường, chưa thoát được nghèo đói. “Tôi luôn mong muốn tìm ra những ngành nghề mới thu hút được thật nhiều lao động”- Tổng Giám đốc Trịnh Xuân Lâm chia sẻ.

Theo congluan.vn

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng