Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên - một trong những doanh nghiệp sản xuất lớn nhất cả nước, đây cũng là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên vật liệu với nhiều quốc gia trong khu vực. Kể từ khi Việt Nam công bố dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất của đơn vị vẫn đang diễn ra, Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ các quốc gia trong khu vực lại đang bị ảnh hưởng nặng nề, cộng thêm thị trường tiêu thụ thép cán chậm, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Thị trường tiêu thụ thép cán chậm, khiến Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đại diện đơn vị, so với cùng kỳ năm 2019 và các năm trước, sản lượng tiêu thụ thép cán từ đầu năm 2020 đến nay mới chỉ đạt khoảng 30%, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí sản xuất không giảm, vì vậy nguy cơ bị giảm doanh thu so với kế hoạch là điều khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên cho biết, kỳ này hàng năm đến thời điểm này chúng tôi tiêu thụ từ 30 đến 35 nghìn tấn thép cán. Nhưng hiện nay do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên các công trình xây dựng, kinh doanh bất động sản đều đình trệ dẫn đến tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi cũng đạt rất thấp. Từ đó cũng dẫn đến nguy cơ lỗ trong sản xuất kinh doanh trong thời điểm hiện nay.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, thị trường bất động sản ảm đạm, số lượng các công trình thi công giảm, hoạt động xuất khẩu ngưng chệ… nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó khăn. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa ước tính sẽ tăng từ 4 - 5% so với năm 2019. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân và nhu cầu về nhà ở sẽ giảm, ngành xi măng tiếp tục phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, dẫn đến sự bất ổn của toàn bộ trong ngành. Chỉ tính riêng trong quý I, ngành xi măng của tỉnh Thái Nguyên sản xuất và tiêu thụ đạt gần 570 nghìn tấn sản phẩm các loại, chỉ đạt 23% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng La Hiên cho biết, toàn bộ thị trường sản xuất chúng tôi không xuất khẩu được, cho nên hàng tồn kho sẽ bị tăng. Công ty cũng đã chủ động giãn các kế hoạch sửa chữa, tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường trong mùa dịch hiện nay.
Không chỉ các mặt hàng sắt thép, xi măng mà tất cả các ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, đầu năm 2020 thị trường bất động sản sụt giảm, ở một số phân khúc có tình trạng đóng băng dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư các dự án; chủ đầu tư khó, vật liệu xây dựng cũng khó theo. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu các nguyên liệu, sản phẩm vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp cũng bị ngừng trệ vì dịch bệnh. Mặc dù so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác như: khách sạn, nhà hàng, vận tải… vật liệu xây dựng chịu tác động muộn hơn nhưng việc phục hồi theo đó cũng chậm hơn. Ông Lục Minh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Prime Phổ Yên cho biết, hiện tại thị trường đang rất khó khăn, để đảm bảo về tiêu thụ sản phẩm. Công ty vừa nâng cấp về thiết bị, song song với đó là phát triển dòng sản phẩm mới, thiết kế mẫu mã mới để đáp ứng được thị hiếu của thị trường.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên khẳng định, để khắc phục được những khó khăn này thì hiện tại chính quyền đang tập trung vào chống dịch. Vì vậy phải làm sao hâm nóng được sức sống cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp có tinh thần lấy lại doanh số, bì lại những tổn thất do dịch gây ra.
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh kéo theo những hệ lụy liên quan đến chậm thuế hay rủi ro nợ xấu tín dụng ngân hàng tăng lên. Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát và triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cụ thể là sẽ thực hiện gia hạn, cơ cấu lại nợ; gia hạn tiền thuê đất, giãn, hoãn, gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Tuy nhiên, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất nói riêng cần đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh. Tìm kiếm đối tác mới và thay đổi tư duy quản trị, từ đó sẽ là nền tảng để thúc đẩy phát triển sản xuất trong thời gian tới.
VLXD.org (TH/ TH Thái Nguyên)