DOITHUONG247 - CỔNG THÔNG TIN TRÒ CHƠI ĐỔI THƯỞNG

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Đầu tư - Chứng khoán

Dự án khu đất vàng, cưỡng chế được hay không?

27/04/2011 - 11:37 CH

Dư luận đã rất xôn xao trước vụ 2 gia đình ở số 22-24 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ chối nhận tiền đền bù 1 tỷ đồng/m2 nhà, đất trong dự án Trung tâm thương mại - Văn phòng và nhà ở tái định cư.
UBND quận Hoàn Kiếm đã có Quyết định cưỡng chế đối với 2 hộ này nhưng đầu tháng 4, việc cưỡng chế đã bị tạm dừng do VPCP đã có công văn gửi, đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm tra lại sự việc để có biện pháp giải quyết khiếu nại của dân theo quy định của pháp luật.



Đây là diện tích đất nhà được coi là "vàng" ở Trung tâm Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND TP. Vũ Hồng Khanh đã ký văn bản giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP, Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra, rà soát quá trình giải quyết khiếu nại quyết định thu hồi đất của ông Hoàng Đình Trung; Về chính sách áp dụng và phương án bồi thường; hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình ông Hoàng Đình Trung và ông Hoàng Quốc Cường, đồng thời có ý kiến đề xuất trả lời đơn thư và việc tiếp tục tổ chức GPMB khu đất nói trên, báo cáo UBND TP.

Trong thời gian kiểm tra, rà soát, UBND quận Hoàn Kiếm tạm dừng việc thực hiện các quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất gia đình ông Hoàng Đình Trung và ông Hoàng Quốc Cường. Để có cái nhìn nhiều chiều về vụ việc này, PV báo ĐS&PL đã trao đổi với những người “trong cuộc” và các chuyên gia pháp lý xung quanh việc này.

Không được cưỡng chế vì là dự án thương mại?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Theo luật Đất đai, các dự án thuộc loại A gồm có thu hồi đất cho an ninh, quốc phòng, công cộng... thì chủ dự án và người dân không phải thoả thuận giá đền bù mà cứ theo các quy định của pháp luật mà áp giá, mà thực hiện.

Theo Giáo sư Võ, dự án Trung tâm thương mại - Văn phòng và nhà ở tái định cư tại 22-24 Hàng Bài không thuộc dự án loại A nên chủ đầu tư phải thoả thuận giá đền bù với người dân. Việc phải thoả thuận giá đền bù đồng nghĩa với việc không được phép cưỡng chế.

GS Võ nhấn mạnh: "Theo tôi, không nên so sánh giá đất mà các hộ dân ở đây đưa ra cao hay thấp mà điều quan trọng là thoả thuận có đạt kết quả không? Có đúng các  quy định trong Bộ luật Dân sự không?".

Trong khi đó, đại diện gia đình cụ Hoàng Đình Trung - 1 trong 2 hộ dân chưa nhận tiền đền bù gần 1 tỷ đồng/m2 cho biết, trên thực tế, chủ dự án chưa đến gặp dân để thoả thuận như đã thông báo với chính quyền và các cơ quan báo chí. Gia đình cũng chưa đưa ra mức giá bồi thường cụ thể nào.

Hơn nữa, gia đình không chấp nhận tiền đền bù vì lý do khác chứ không phải là mức giá đền bù. Khi gia đình hỏi chủ đầu tư về các giấy tờ để chứng minh chủ đầu tư và dự án có đủ tư cách pháp nhân không thì không được cung cấp. Gia đình nghi ngờ sự mờ ám trong việc thực hiện dự án này.

Cưỡng chế là đúng luật?

Luật sư Nguyễn Cẩm - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hải Phòng cho biết: Trong trường hợp phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại, lấy đất nông nghiệp thì phải thoả thuận, còn đất thổ cư, đất ở ổn định, nhất là ở những vị trí đắc địa thì không thể thoả thuận. Nếu hộ dân cho rằng giá thị trường một m2 đất ở khu vực đó là 1 tỷ đồng/m2 thì phải có căn cứ để chứng minh.

Thạc sỹ Luật học Ngô Hữu Nhị - Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh viện dẫn quy định trong Nghị định 69/2009 quy định về cưỡng chế thu hồi đất để khẳng định việc cưỡng chế là đúng luật, kể cả trong trường hợp thoả thuận giá đền bù. Theo Thạc sỹ Nhị, vì chính quyền đã cho phép 2 bên thoả thuận trong 3 tháng. Sau thời hạn này, nếu việc thỏa thuận vẫn không xong thì cơ quan chức năng được phép cưỡng chế.

...Đến việc tạm ngừng cưỡng chế


Lý giải về nguyên nhân tạm dừng việc cưỡng chế đối với 2 hộ dân nói trên, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện UBND TP.Hà Nội đang chỉ đạo Thanh tra TP. kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án. Sau khi có kết luận, quận sẽ thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng.

Ông Hùng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã tính đến phương án sau khi cưỡng chế sẽ đưa các hộ dân xuống khu Thanh Lương, đợi đến khi xây xong dự án lại đưa họ về tái định cư tại chỗ theo đúng quy định".

Ông Đàm Đình Định - Chánh Thanh tra Sở TN&MT Bắc Ninh phân tích: Khi TP. phê duyệt dự án cho thực hiện, tức là dự án đó phù hợp với quy hoạch của Thủ đô. Việc chủ đầu tư là ai không quan trọng, quan trọng là đơn vị đó phải đủ tư cách pháp nhân thì mới được TP. cho phép thực hiện dự án.

Việc đơn vị được TP. cho phép thực hiện dự án chứng tỏ tư cách pháp nhân đã được đảm bảo. Còn việc 2 hộ dân đòi thoả thuận giá đền bù vì cho rằng dự án có tính chất thương mại nên phải thỏa thuận về việc đền bù.

Ông Định cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai, doanh nghiệp lấy đất nông nghiệp, đất trồng lúa của nông dân để thực hiện vào mục đích kinh doanh thì phải thoả thuận với nông dân. Trong trường hợp này thì không phải thoả thuận vì dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội. ở đây đã có sự nhầm lẫn về đối tượng điều chỉnh nên cả chính quyền, chủ đầu tư và các hộ dân cùng dẫn nhau vào một vòng luẩn quẩn, không có hướng giải quyết phù hợp để đảm bảo quyền, lợi ích của cá nhân, tập thể.

TL- Theo nguoiduatin.vn

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng