CTCP Sông Đà 11 Thăng Long (SEL) vừa công bố thông tin cho biết, ông Lê Văn Tuấn, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đã bán toàn bộ 310.000 CP SEL (tương đương 6,2% vốn điều lệ) trong khoảng thời gian từ ngày 22-5 đến 27-5.
Được biết, đây là thời điểm SEL đạt mức 8.000 đồng/CP, mức giá cao nhất của SEL trong vòng 1 năm trở lại đây. Tương tự, ông Trần Đại Hiền, thành viên HĐQT CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (LBM), đã bán toàn bộ 402.340 CP (tương đương 4,93% vốn điều lệ) trong khoảng thời gian từ ngày 10-5 đến 3-6.
Ngoài ra, Kế toán trưởng của SEL là ông Trần Thanh Giang cũng bán hết số cổ phần đang nắm giữ trong phiên giao dịch 22-5 và 23-5. Được biết, thời gian ông Hiền và ông Giang bán cổ phần tại LBM cũng là thời điểm giá CP này đạt đỉnh cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Đây chỉ là 2 trong số hàng loạt trường hợp cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đã bán hết cổ phần của mình khi giá CP tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Thông tư 52 của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1-6-2012 cổ đông nội bộ phải báo cáo và công bố thông tin trước 3 ngày giao dịch, chỉ được thực hiện trong vòng 3 ngày (trước đây 2 tháng), sau đó báo cáo trong vòng 3 ngày. Đặc biệt, cổ đông nội bộ không được đăng ký mua bán trong cùng một khoảng thời gian và chỉ được đăng ký đợt tiếp theo sau khi đã báo cáo đợt trước đó.
Việc lãnh đạo doanh nghiệp bán hết cổ phần mình đang nắm giữ đang trở thành đề tài nóng của giới đầu tư và đặc biệt là những cổ đông đang nắm giữ CP của các doanh nghiệp này. Có một điều hiển nhiên là mỗi khi lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký thoái vốn là gần như ngay lập tức giá CP bị tác động theo chiều hướng đi xuống.
Đa phần các lý do được lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra khi đăng ký bán cổ phần là nhằm “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến cho rằng việc bán ra này nhằm mục đích chốt lời thì vẫn có nhiều cổ đông đặt nghi vấn tại sao lãnh đạo lại bán hết cổ phần trong khi hoạt động của doanh nghiệp chưa đến nỗi nào.
Điển hình cho trường hợp này là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII). Giữa tháng 5 vừa qua, CII công bố thông tin cho biết ông Trần Quốc Bình, Tổng giám đốc, đã bán 1,6 triệu CP trong tổng số 3 triệu CP CII mà ông này đang nắm giữ (tương đương 2,6% vốn điều lệ).
Sau giao dịch khủng này, ông Bình tiếp tục đăng ký bán toàn bộ 1,4 triệu cổ phần còn lại tại CII. Tuy nhiên, sau đó ông Bình chỉ bán 400.000 CP với lý do “đã cân đối được nguồn tài chính cá nhân”. Điều đáng nói là ngay khi ông Bình công bố bán cổ phần CII liên tục giảm giá trong sự nghi ngờ của các cổ đông và NĐT về lý do bán CP này.
Thậm chí, sau khi ông Bình đăng ký bán, 2 tổ chức lớn đang nắm giữ cổ phần tại CII cũng đăng ký bán ra số lượng rất lớn. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư và Xây dựng cầu đường Bình Triệu cũng đăng ký bán hết 3,55 triệu CP CII đang nắm giữ (tương đương 3,15% vốn điều lệ), hay Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM đăng ký bán hơn 3,2 triệu cổ phần.
Với việc lãnh đạo và tổ chức lớn đồng loạt thoái vốn trong thời gian ngắn đã kéo CII đi xuống và hiện tại mã này đang giao dịch với mức giá thấp nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây, cho dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang tiến triển khá tốt.
Trong một công bố mới đây, CII cho biết các trạm thu phí giao thông của doanh nghiệp đều duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Giá tham chiếu của CII trong phiên giao dịch ngày hôm qua 12-6 là 20.400 đồng/CP.
Theo Kim Giang
Sài Gòn Đầu tư tài chính