So với tháng 12/2022, CPI tháng 2 tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%. Trong mức tăng 0,45% của CPI tháng 2/2023 so với tháng trước, có 05 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.
Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,11% chủ yếu do giá xăng, dầu tăng 5,66% (làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 13/2/2023 và 21/2/2023. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,58%, trong đó giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 32,92%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 6,63% do nhu cầu đi lại trong tháng Giêng Âm lịch tăng cao.
Đứng ở vị trí thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, với mức tăng 1,81%. Trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,99% do giá thép tăng cao chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như: Quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu, cuộn cán nóng… tăng. Giá thuê nhà tăng 0,28% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà để ở tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Được biết, từ đầu năm 2023 tới nay, giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng lên, như giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, giá xăng dầu, xi măng, cát,…cũng không ngừng tăng lên.
Giá nước sinh hoạt giảm 2,06% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng nước giảm so với tháng trước. Trong đó, giá nước sinh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 10,33% do người dân trở về quê trong dịp Tết Nguyên đán 2023 nên khối lượng tiêu thụ nước sinh hoạt giảm so với tháng trước.
Còn lại là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.
VLXD.org (TH)