Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có tổng mức đầu tư khoảng 2.242 tỷ đồng, chiều dài gần 24 km đi qua địa phận các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn đất đắp. Từ tháng 11/2022 đến nay, đơn vị chỉ thi công thêm được khoảng 3 km nền đường đắp đất độ chặt K95.
Ông Đỗ Văn Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, một trong những nhà thầu thi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, cho biết, thời điểm năm 2021 - 2023 doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì nguồn cung vật liệu xây dựng rất khan hiếm. Hiện tại, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh thì nguồn cung đã được cơ bản đảm bảo, tuy nhiên với các dự án cần đến đất san lấp vẫn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đề xuất đơn vị thi công các dự án trọng điểm được khai thác nguồn vật liệu ở các mỏ có trong quy hoạch; các cấp, ngành thường xuyên khảo sát, kiểm tra nguồn vật liệu và ra thông báo giá sát thực tế, công khai niêm yết giá tại mỏ.
Ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, đơn vị đang thi công nhiều dự án về xây dựng, cho biết: Hiện tại tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng các mỏ, nâng công suất các mỏ, cấp giấy phép nhiều mỏ mới. So với những tháng trước, nguồn cung vật liệu xây dựng tạm thời đã đáp ứng được nhu cầu. Nếu có cơ chế chính sách thông thoáng hơn nữa thì doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện để đẩy mạnh thi công, hoàn thành nhanh tiến độ đề ra.
Theo thống kê của các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư các dự án, công trình xây dựng, trên địa bàn tỉnh có tổng số dự án, công trình thi công giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 3.106 công trình, với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng dự kiến cần 143,75 triệu m³ đất san lấp, 21,61 triệu m³ cát xây dựng, 37,41 triệu m³ đá xây dựng.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, toàn tỉnh có 557 khu mỏ, cụ thể: Các mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường, đã quy hoạch có 233 mỏ, diện tích khoảng 2.469 ha, trữ lượng khoảng 235 triệu m³; mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường có 187 khu mỏ, tài nguyên dự báo khoảng 584 triệu m³; mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) bàn giao cho tỉnh có 13 khu mỏ, trữ lượng khoảng 649.351 tấn; cát làm vật liệu xây dựng có 124 mỏ, điểm mỏ với tổng diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m³.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 320 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh đã cấp phép còn hiệu lực, gồm: 212 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 168,0 triệu m³, tổng công suất khoảng 8,5 triệu m³/năm; 28 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 6,7 triệu m³, tổng công suất năm 0,72 triệu m³/năm; 53 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 43,2 triệu m³, công suất khai thác khoảng 5,3 triệu m³/năm.
Như vậy, về nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 đến 2025, qua cân đối cho thấy các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác có công suất chưa đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình trên địa bàn tỉnh theo như dự báo trên.
Phó trưởng Phòng Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) Nguyễn Hữu Đức cho biết, đối với đá xây dựng thì nguồn cung đáp ứng nhu cầu, phần còn lại có thể cung cấp đá để sản xuất cát nghiền thay thế một phần cát bê tông và vữa. Tuy nhiên, sản lượng cát xây dựng và đất san lấp sẽ thiếu hụt, nếu không bổ sung quy hoạch, không tăng công suất và không đẩy nhanh tiến độ cấp phép mới các mỏ đất san lấp.
Sở Xây dựng sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, phát hiện các mỏ khoáng sản mới, nếu đủ điều kiện thì tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, các chủ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện đầu tư bổ sung dây chuyền công nghệ sản xuất cát nghiền từ đá, tận thu tối đa nguồn khoáng sản tại mỏ, tăng nguồn cát nghiền thay thế cát tự nhiên cho công trình xây dựng.
Đồng thời, Sở Xây dựng chủ trì để kiểm tra việc kinh doanh, niêm yết giá của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện kê khai giá trên đối với 3 loại vật liệu xây dựng là đất đắp nền, cát xây dựng và đá xây dựng; hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện khảo sát, điều tra giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và báo cáo kết quả khảo sát giá gửi về Sở Xây dựng làm cơ sở công bố thông tin giá vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN&MT, cho biết, để bổ sung nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản (tăng 66,67% so với cùng kỳ); cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản (tăng 300% so với cùng kỳ); phê duyệt trữ lượng 5 mỏ (tăng 250% so với cùng kỳ); đấu giá thành công 38 mỏ khoáng sản, trong đó 34 mỏ đã được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá. Hiện nay, các mỏ đơn vị trúng đấu giá đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép, sẽ hoàn thành việc cấp phép, bổ sung được nguồn vật liệu cho các dự án trên địa bàn.
Những giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung và việc chủ động sản xuất vật liệu xây dựng chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án tại các địa phương.
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)