Theo khảo sát tại một số cơ sở bán vật liệu xây dựng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Giá cát ở thời điểm hiện tại mà các cơ sở này đưa ra là không đồng nhất, dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/m³ cát tự nhiên.
Một chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết, do giá cát mua tại bãi tăng nên buộc cơ sở phải nâng giá cát bán ra. Trước đây giá cát mua tại bãi chỉ từ 200.000 - 250.000 đồng/m³, hiện nay phải mua với giá 400.000 đồng/m³. Cộng thêm các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, giá bán ra thị trường là 550.000 - 600.000 đồng/m³.
Tương tự, một chủ xe tải chuyên vận chuyển cát bán lẻ cho các hộ dân có nhu cầu xây nhà chia sẻ, cát mua tại bãi là 350.000 đồng/m³, trong khi quá trình vận chuyển ngoài tiền xăng dầu, còn rất nhiều chi phí phát sinh khác. Do vậy, cát đến chân công trình có giá 550.000 đồng/m³.
Giá cát trên thị trường cao gấp 3 lần so với giá được công bố.
Để ổn định thị trường và làm cơ sở ký hợp đồng, thanh quyết toán ở các công trình sử dụng vốn Nhà nước, định kỳ hàng tháng, quý, Sở Xây dựng đều có khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, thông tin công bố giá vật liệu xây dựng đều thấp hơn nhiều lần so với thực tế thị trường.
Hiện nay, thị trường cát trên địa bàn tỉnh có 2 loại chính là cát tự nhiên và cát nghiền. Tuy nhiên, việc tăng giá trên thị trường thời gian qua chỉ ghi nhận ở cát tự nhiên, giá cát nghiền vẫn giữ ổn định từ 160.000 - 280.000 đồng/m³. Lý giải điều này, đa phần cơ cở bán vật liệu xây dựng cho rằng nguyên nhân do thời gian qua tỉnh siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản. Những mỏ không đảm bảo điều kiện đều phải dừng khai thác. Số mỏ được phép khai thác thu hẹp, trong khi trên địa bàn lại triển khai đồng loạt nhiều công trình, hạng mục xây dựng đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Theo Sở Xây dựng, giá công bố của Sở dựa trên tài liệu, thông tin, giá các mỏ cung cấp, hóa đơn các địa phương gửi về. Tuy nhiên, mỗi mỏ cát gửi giá đều khác nhau, Sở dựa trên thông tin từ các huyện gửi về làm độ tin cậy để công bố. Do vậy, khó tránh khỏi tình trạng giá công bố thấp hơn, nhưng cũng có thời điểm cao hơn so với giá thị trường và chênh lệch không đáng kể.
Từ tháng 4 - 8/2024, lực lượng kiểm tra liên ngành của Sở phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã liên tiếp tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ về việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về xây dựng, trong đó có giá cát. Tuy nhiên qua kiểm tra không phát hiện sai phạm về giá.
Phân tích nguyên nhân sâu xa, Sở Xây dựng lý giải, cát cũng giống như nhiều mặt hàng khác trên thị trường, có sản phẩm được cấp phép, có sản phẩm không. Khi người dân mua cát từ những cơ sở không được cấp phép thì rất khó quản lý việc người bán có tuân thủ theo giá cơ quan chức năng công bố hay không. Ngoài ra, giá công bố là giá bán tại bãi, chưa tính thuế, tiền vận chuyển và các chi phí phát sinh. Đây là những chi phí chịu tác động và dễ dàng lên xuống theo giá thị trường nên dẫn đến tình trạng giá cát đến tay người dùng không đồng nhất.
Để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng, đại diện ngành Xây dựng khuyến cáo nên có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi lựa chọn đơn vị để mua cát xây dựng. Ngoài ra, theo dự báo của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong đó có cát xây dựng chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2025 là trên 1 triệu m³, đến năm 2030 là trên 2 triệu m³. Trong khi đó, trữ lượng và nguồn cung ứng cát tự nhiên đang dần hạn hẹp; còn nguyên liệu sản xuất cát nghiền lại rất dồi dào, giá thành thấp và ổn định. Do vậy, việc lựa chọn vật liệu thay thế là cát nghiền được xem là giải pháp phù hợp cả về giá cũng như xu hướng phát triển.
VLXD.org (TH/ Báo Điện Biên)