Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và đang thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không điều tra.
Các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước đang chờ diễn biến tiếp theo, với mong mỏi công cụ phòng vệ sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó hơn, giảm cạnh tranh không lành mạnh với hàng nhập khẩu bán phá giá, phục hồi sản xuất và giữ được thị trường nội địa.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 5,9 triệu tấn HRC đã được nhập khẩu vào nước ta, tăng 32% so với cùng kỳ và cao gấp hơn 1,7 lần tổng lượng HRC sản xuất trong nước. HRC xuất xứ Trung Quốc chiếm gần 74% tổng lượng nhập khẩu, đơn giá trung bình từ thị trường này thấp hơn 41 - 133 USD/tấn so với các thị trường nhập khẩu khác.
Ngành thép Việt Nam đang ở trong thế khó chưa từng thấy khi vừa trải qua năm 2023 kinh doanh ảm đạm, sức mua yếu bởi thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, lại phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa.
Lúc này, việc sử dụng công cụ phòng vệ đang được ví như “phao cứu sinh” giúp các doanh nghiệp bớt khó. TS. Hoàng Ngọc Thuận, giảng viên Trường đại học Ngoại thương nhận định: “Nếu chúng ta áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đúng thời điểm, kịp thời, chủ động, phù hợp với quy định của pháp luật sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa giảm áp lực cạnh tranh với với hàng nhập khẩu, không bị đe doạ bởi hành vi cạnh tranh không công bằng”.
Thực tế chứng minh, công cụ phòng vệ được sử dụng đúng thời điểm đã “cứu nguy” cho ngành sản xuất nội địa. Năm 2017, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá 38,34% đối với sản phẩm thép mạ (tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Chỉ sau 1 năm áp thuế, mặt hàng này đã giảm nhập khẩu từ 19 triệu tấn (năm 2016) xuống còn 15 triệu tấn (năm 2017).
Đánh giá hiệu quả của công cụ phòng vệ thương mại, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, năm 2017, nhờ áp thuế hàng nhập khẩu, ngành sản xuất tôn mạ nội địa phát triển nhanh chóng, không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước, mà sản phẩm còn được xuất khẩu tới hơn 30 thị trường, trong đó có nhiều thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU…
Với thế khó của ngành thép hiện nay, theo ông Cường, nếu không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thì nhiều nhà máy dù đã đầu tư nguồn vốn rất lớn cũng sẽ phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Năm 2023 và nửa đầu năm 2024, tiêu thụ thép giảm do cầu yếu và cạnh tranh không lành mạnh với hàng nhập khẩu bán phá giá, có những nhà máy phải cắt giảm sản xuất, thậm chí có những liên hiệp luyện kim phải đóng cửa lò cao để giảm bớt sản lượng thép.
Thách thức của ngành thép chưa vơi trong thời gian tới. Tại thị trường nội địa, cầu vẫn yếu do thị trường bất động sản hồi phục chậm. Ở kênh xuất khẩu, các quốc gia đều tăng cường bảo hộ bằng “hàng rào” kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại, gây không ít lực cản cho doanh nghiệp ngành thép. Đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam, có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.
Hiện nay, do năng lực sản xuất dư thừa, các nước sản xuất thép lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Sáu tháng đầu năm 2024, lượng thép các loại được nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 8,12 triệu tấn, trị giá 5,9 tỷ USD, tăng lần lượt 46,1% và 24% so với cùng kỳ. Nhập khẩu sản phẩm sắt thép trị giá hơn 3 tỷ USD, tăng 23,7%. Tổng chi nhập khẩu thép, sản phẩm thép tới 8,9 tỷ USD.
Rõ ràng, khi hàng hóa nhập khẩu đổ bộ với số lượng lớn, có dấu hiệu bán phá giá, cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa nội địa, đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, “công cụ” phòng vệ cần phải được kích hoạt để giữ thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp Việt.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nêu quan điểm: “Chúng tôi khuyến khích áp dụng phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép trong nước mà sản xuất đã đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu nội địa. Với những sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn phụ thuộc nhập khẩu, thì cần cân nhắc lợi ích tổng thể để có quyết định phù hợp”.
VLXD.org (TH)