Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 8 dự án đường cao tốc với tổng cộng 463km đường, cần khoảng 53,69 triệu m³ cát san lấp. Tuy nhiên, trữ lượng hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu cho các dự án đường cao tốc.
Nhập khẩu cát san lấp từ Campuchia thực hiện dự án giao thông trọng điểm.
Thống kê trên thậm chí chưa đầy đủ vì còn thiếu lượng cát san lấp cần thiết để thực hiện các công trình trọng điểm cấp địa phương. Ví dụ Vành đai 3 TP.HCM, năm 2024 đã cần đến 6,4 triệu m³, riêng đoạn qua thành phố cần đến 4,7 triệu m³. Bên cạnh đó cũng còn lo ngại, việc khai thác cát sông tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra với dấu hiệu khai thác quá mức, thiếu cân bằng, thiếu bền vững, khiến cho một số khu vực có tình trạng sạt lở, gây mất an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tăng nguy cơ sụt lún. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này không thể tự bù đắp đủ, có xu hướng sụt giảm hàng năm do tác động của biến đổi khí hậu.
Trước thực trạng trên, HoREA kiến nghị nhập khẩu cát san lấp từ Campuchia để thực hiện các dự án trọng điểm. Theo HoREA, việc bổ sung thêm nguồn cát nhập khẩu hợp pháp, giá hợp lý là cần thiết. Việc nhập khẩu này sẽ đi đôi với việc khai thác bền vững, hợp lý nguồn cát sông Cửu Long. Nhập khẩu cát góp phần bình ổn giá vật liệu xây dựng trên địa bàn, chống đầu cơ đẩy giá cát ảo, tạo điều kiện giảm giá thành các công trình, nhà ở.
Trước lo ngại, nhiều địa phương kí hợp đồng nhập khẩu nguồn cát san lấp, dẫn đến tình trạng tranh mua, đẩy giá lên cao, HoREA đề nghị giao quá trình nhập khẩu này cho đơn vị quân đội có chức năng hoạt động kinh tế tại phía Nam làm đầu mối, kí hợp đồng mua cát số lượng lớn, ổn định, giá cả hợp lý, rồi phân phối theo nhu cầu của các địa phương, đảm bảo tính hợp pháp, tiêu chuẩn, chất lượng, đi kèm với đó là phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước đề xuất của HoREA, Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung sang Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét và giải quyết theo thẩm quyền.
VLXD.org (TH/ Giao thông)