Theo ông Thái Duy Sâm, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), từ năm 2020, thị trường xây dựng hướng đến sử dụng vật liệu nhẹ. Xu hướng này dù đã xuất hiện trên 5 năm qua, nhưng đến nay mới thật sự được nhiều doanh nghiệp xây dựng chú ý. Và dự báo, thị trường xây dựng trong nước sẽ gia tăng tiêu thụ loại sản phẩm này (gạch không nung, đá siêu nhẹ hay tấm cách nhiệt sản xuất bằng các công nghệ cao…) do có nhiều ưu điểm. Đến nay, vật liệu xây dựng nhẹ đã có ở hầu hết các kết cấu, từ tường, vách, trần, mái, cửa ra vào, mặt tiền... Nhiều nhà thầu chọn nhóm vật liệu nhẹ trong xây dựng, mà vẫn đảm bảo yêu cầu về kết cấu chịu lực của công trình, tăng độ linh hoạt trong thiết kế.
Ông Trần Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xây dựng Hiền Nguyễn (đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, DN trong lĩnh vực xây dựng, nhất là các nhà thầu phụ (nhà thầu tham gia thực hiện các gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính trong dự án xây dựng) đang ngày càng quan tâm đến nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng nhẹ, công nghệ cao như gạch không nung, tấm panel cách nhiệt hay nhóm sản phẩm xây dựng (nhà ở tránh lũ) từ công nghệ in 3D… Đã có rất nhiều công trình xây dựng được nhà thầu chọn vật liệu mới, nhẹ thay thế vật liệu truyền thống, bởi các ưu điểm trong lượng nhẹ, dễ vận chuyển, tiết kiệm chi phí và thân thiện môi trường. Trên thực tế, nhu cầu này chỉ mới bắt đầu từ 2 năm trở lại đây, khi có sự ra đời của nhiều sản phẩm mới như gạch không nung, đá siêu nhẹ, tấm cách nhiệt sản xuất bằng các công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp với các dây chuyền đồng bộ, khép kín.
Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch VABM, hiện nay Việt Nam đã có đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó có quy định về sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng… Điều này đã tạo điều kiện để nhóm vật liệu mới được sử dụng nhiều vào các công trình. Cụ thể như tấm panel cách nhiệt những năm trước chủ yếu được thi công vào các trang trại chăn nuôi công nghệ cao, các khu huấn luyện hàng không, nhà máy sản xuất hàng điện tử…
Đến nay, tấm panel đã được ứng dụng vào mảng xây dựng dân dụng vì có lợi thế về chi phí và điều kiện thi công các ngôi nhà lắp ghép (ở các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt). Hay trong xây dựng các khu du lịch, dịch vụ homestay tại các bãi biển, người ta cũng lựa chọn panel cách nhiệt thành vật liệu xây dựng chủ đạo.
Thực tế tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (quận 9), đã có Trung tâm huấn luyện hàng không diện tích trên 3.000 m
2 được xây dựng hoàn toàn bằng tấm panel cách nhiệt. So sánh lợi thế, nhóm vật liệu xây dựng mới hiện được ưa chuộng với nhiều ưu điểm như, tiết kiệm thời gian, nhân công vì thi công nhanh, diện tích sàn 300 m
2 thi công trong hai tuần, so với hai tháng thi công bằng phương pháp và vật liệu xây dựng truyền thống. Tiếp theo là yếu tố nhẹ, nếu 1m
2 tường gạch không nung chỉ cần 8 viên, thì gạch nung phải cần đến 65 viên cộng thêm
xi măng, cát. Về giá thành, khi hoàn thiện công trình, một ngôi nhà xây bằng panel cách nhiệt có giá thi công, gồm cả chi phí vật liệu và hoàn thiện chỉ bằng 20% so với phương pháp xây thô thông thường.
Hiện nay, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu mới của Việt Nam đã thấy được tiềm năng của thị trường tiêu thụ. Vì vậy, cũng đã mạnh dạn đầu tư mạnh trang thiết bị, mua dây chuyền sản xuất từ các nước phát triển, nên chất lượng sản phẩm được nâng cao, đồng thời còn có nhiều chức năng hơn như cách nhiệt, chống cháy, kháng khuẩn… Đặc biệt, nhóm vật liệu mới còn đáp ứng tốt xu hướng xây dựng xanh, thân thiện môi trường, đáp ứng tốt các tiêu chí phát triển ngành xây dựng bền vững.
VLXD.org (TH/ TBNH)