Thép cuộn tại nhà máy của Ben Gang Group Corporation ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyên trang thông tin thị trường Mỹ Latinh LexLatin mới đây đăng bài viết đánh giá về mối đe dọa từ các sản phẩm thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Mỹ Latinh, tác động đến sự phát triển của ngành thép khu vực, cũng như phản ứng và biện pháp của các nước khi đối phó với vấn đề này.
Theo bài báo, trong khoảng những năm 2000, Trung Quốc đóng góp 15% sản lượng thép toàn cầu. Đến năm 2023, con số này tăng lên hơn 54% và Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu thép thành phẩm hàng đầu thế giới. “Gã khổng lồ châu Á” hiện kiểm soát hoạt động sản xuất hợp kim này tại nhiều quốc gia vốn coi đó là ngành công nghiệp địa phương quan trọng.
Trước tình hình này, nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã lên kế hoạch áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm giảm tác động đối với nền kinh tế đất nước. Các nhà sản xuất thép lớn trong khu vực như Brazil, Chile và Mexico đã áp thuế nhập khẩu cao, thậm chí tăng gấp đôi đối với sản phẩm thép từ Trung Quốc, nhằm tìm cách ngăn chặn hoạt động nhập khẩu ồ ạt, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp trong nước vốn vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm.
Tăng trưởng theo cấp số nhân và tác động
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), vào đầu thế kỷ 21, Mỹ Latinh sản xuất khoảng 6,6% lượng thép thế giới, xuất khẩu sang Trung Quốc (lúc đó chỉ sản xuất 15% lượng thép toàn cầu) khoảng 160.000 tấn thép thô. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ, quốc gia châu Á này đã lật ngược tình thế khi đạt sản lượng thép tăng 7.000%, cung cấp cho toàn thế giới các mặt hàng thép thành phẩm đa dạng, từ vật liệu xây dựng đến ốc vít, ô tô điện, máy tính và điện thoại di động…
Thép Trung Quốc có ưu điểm lớn là giá thành rẻ hơn tới 40% so với mặt hàng tương tự được sản xuất ở các khu vực khác. Điều này khiến thép tại Mỹ Latinh trở thành nguyên liệu không có tính cạnh tranh, tác động đến ngành công nghiệp lâu đời ở khu vực, cũng như việc làm của hơn 1,4 triệu lao động địa phương.
Hơn nữa, ngành thép khu vực cũng có thể sẽ bị giảm sản lượng, nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách mở rộng hoạt động khai thác và sản xuất như trong những thập kỷ gần đây.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tác động đến ngành thép Mỹ Latinh. Chẳng hạn tại Chile - nhà sản xuất thép lớn thứ tư khu vực, nhà máy thép chính quốc gia Huachipato hồi tháng 3/2024 thông báo đóng cửa nhà máy. Trong khi đó, ở Brazil, nước sản xuất hợp kim lớn nhất khu vực và lớn thứ 9 thế giới, cũng tuyên bố nhiều doanh nghiệp nước này phải cắt giảm lao động do nhu cầu giảm.
Ông Sergio Barajas Pérez, đối tác thương mại của công ty Basham, Ringe và Correa của Mexico, cho biết việc tăng nhập khẩu thép Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến sản phẩm thép trong nước bị thay thế. Ngoài ra, còn kể đến áp lực về giá cả cạnh tranh.
Cùng quan điểm, bà Andrea Weiss Balassiano, đối tác của Công ty Monteiro & Weiss Trade của Brazil, cho biết trong phần lớn thép Trung Quốc xuất khẩu vào Brazil mỗi ngày, chỉ có 11 sản phẩm thép trong danh mục khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) phải chịu thuế. Điều này khiến ngành thép quốc gia Nam Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc mà nước này cho là không công bằng.
Những biện pháp can thiệp
Mexico là quốc gia đầu tiên phản ứng trước làn sóng xuất khẩu thép ồ ạt của Trung Quốc vào Mỹ Latinh. Hồi tháng 8/2023, Mexico tuyên bố áp thuế 25% đối với thép đến từ những quốc gia không có hiệp định tự do thương mại với nước này, trong số đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh cũng bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu thông tin chi tiết về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mexico.
Ngoài ra, quản lý cấp cao Alberto Sandoval Félix của Công ty Basham, Ringe và Correa của Mexico cho biết Mexico áp 83 hạn ngạch thuế đối kháng (thuế chống trợ cấp) có hiệu lực đối với các hành vi bán phá giá, trong đó có 37 loại thuế chống lại các sản phẩm Trung Quốc và 66% trong đó được áp dụng đối với các sản phẩm của ngành “kim loại cơ bản và các nhà sản xuất chúng”.
Về vấn đề này, chuyên gia Alberto Sandoval nhấn mạnh, theo thỏa thuận giữa Mexico và Mỹ trong khuôn khổ Mục 232 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962, cả hai nước đã nhất trí ngăn chặn việc nhập thép và nhôm được sản xuất bên ngoài lãnh thổ của họ, thiết lập một hệ thống giám sát đối với các sản phẩm đó, đồng thời áp lại mức thuế 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm mà vượt quá khối lượng hạn ngạch cho phép.
Trong khi đó, giữa bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và trước sự gia tăng xuất khẩu từ Mexico sang quốc gia láng giềng (đạt 476 tỷ USD năm 2023, tăng 4,3%), hôm 10/7, Mỹ công bố các biện pháp áp thuế mới theo quy định Mục 232 đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Mexico.
Theo đó, biện pháp mới đi vào hiệu lực ngay lập tức. Mỹ sẽ áp mức thuế 25% đối với các loại thép không được nung và xử lý tại khu vực Bắc Mỹ từ Mexico vào Mỹ. Trong khi đó, nhôm được nung tại Trung Quốc, Belarus, Iran hoặc Nga xuất sang Mexico, rồi từ đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ bị áp thuế 10%.
Tuy nhiên, Mexico đã cố gắng bảo vệ lợi ích của đồng minh Brazil, quốc gia mà nước này nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô để sản xuất các sản phẩm thép. Mỹ đã chấp nhận đề xuất của Mexico và đưa ra chính sách đối xử đặc biệt đối với hàng xuất khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này. Kết quả là, thép Brazil gia công tại Mexico sẽ không phải chịu mức thuế 25%.
Thay đổi trong hoạt động nhập khẩu?
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Mexico hay quốc gia Mỹ Latinh nào khác bị ảnh hưởng có thể thực hiện biện pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế nhập khẩu thép Trung Quốc hay không? Câu trả lời rất đơn giản là không, trừ khi các nước đó muốn bắt đầu một “cuộc chiến” thương mại.
Theo các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quyết định đơn phương của các quốc gia có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng của cơ cấu thương mại toàn cầu mong manh và Mexico cũng không tránh khỏi các quy định này.
Hiện nay, mức thuế áp dụng đối với thép từ các quốc gia mà Mexico chưa ký hiệp định thương mại tự do, trong đó có Trung Quốc, là bằng hoặc rất gần với mức tối đa có thể áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ các nước thành viên khác trong khuôn khổ WTO. Do vậy, việc áp dụng các loại hạn ngạch thuế khác sẽ đem lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Chuyên gia Alberto Sandoval cho biết, các biện pháp trên đối với Mexico là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ, được áp dụng sau khi tiến hành điều tra theo quy định của WTO. Hơn nữa, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của khu vực Nam Mỹ và thứ hai của Mỹ Latinh và Caribe, chỉ sau Mỹ. Do đó, việc cân bằng mối quan hệ kinh tế với hai quốc gia đó khá bấp bênh.
Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC), Trung Quốc nhập khẩu gần 1/3 sản lượng nông sản, thực phẩm của Mỹ Latinh, trong đó phần lớn là đậu tương, cà phê, mía, tôm, thịt bò và bột cá, cũng như các nguyên liệu khoáng sản như đồng, sắt, dầu mỏ và lithium.
Các mức thuế quan mà Chile, Mexico và Brazil áp dụng có thể ngăn cản các nhà đầu tư Trung Quốc thiết lập, duy trì hoặc mở rộng hoạt động tại các quốc gia này, song cũng khiến các nước Mỹ Latinh đối mặt với các biện pháp đáp trả tương tự đối với những mặt hàng xuất khẩu của khu vực sang Trung Quốc. Việc này đã từng xảy ra đối với sản phẩm đậu nành của Argentina.
Điều gì đang xảy ra ở Brazil?
Tương tự như Mexico, Chính phủ Brazil đã công bố áp dụng mức thuế lên tới 25% đối với 11 sản phẩm thép từ Trung Quốc có lượng xuất khẩu sang nước này tăng 30% trong những tháng gần đây. Bất kỳ sản phẩm thép nào khác chưa vượt quá mức tăng đó sẽ chịu mức thuế hiện tại là 10,8%.
Theo Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil Geraldo Alckmin, biện pháp trên có hiệu lực trong 12 tháng nhằm mục đích bảo vệ việc làm, khuyến khích đầu tư mới, hiện đại hóa, cũng như góp phần giảm bớt công suất nhàn rỗi của ngành thép quốc gia này.
Liên quan đến giá tiêu dùng và ảnh hưởng đối với chuỗi sản xuất, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các ngành có khả năng bị ảnh hưởng bao gồm sản xuất máy móc thiết bị, ô tô và xây dựng… sẽ đối mặt với rủi ro về chi phí tăng, mất khả năng cạnh tranh và áp lực lạm phát. Thép là vật liệu đầu vào thiết yếu dùng để sản xuất các mặt hàng có giá trị cao, trong khi Brazil là một trong những cường quốc của khu vực về sản xuất ô tô và xây dựng.
VLXD.org (TH)