Theo một nghiên cứu gần đây, khoảng 80% lượng cát được sử dụng trong ngành xây dựng tại Trung Quốc là cát nhân tạo. Theo các chuyên gia, đây không chỉ là bước đột phá trong khoa học, kỹ thuật mà còn giúp góp phần giải quyết những cuộc khủng hoảng về nguyên vật liệu trong tương lai.
Cát hiện là nguồn tài nguyên được sử dụng nhiều thứ hai sau nước. Trong bối cảnh gia tăng dân số và đô thị hóa, trữ lượng cát tự nhiên đang dần cạn kiệt.
Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) ước tính 50 tỷ tấn cát và sỏi được khai thác mỗi năm để phục vụ cho ngành xây dựng.
Khoảng 80% lượng cát được sử dụng trong ngành xây dựng tại Trung Quốc là cát nhân tạo. Ảnh: SCMP
Là quốc gia chứng kiến tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 17%-58% trong bốn thập kỷ qua, cát lại càng đặt biệt quan trọng đối với Trung Quốc. UNEP cảnh báo thế giới có thể sớm cạn kiệt tài nguyên cát do nhu cầu ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác.
Nhà nghiên cứu tại UNEP, Pascal Peduzzi trả lời phỏng vấn của BBC vào năm 2019 rằng: "Chúng ta không thể khai thác 50 tỷ tấn bất kỳ tài nguyên nào mỗi năm mà không gây ra tác động lớn đến hành tinh cũng như cuộc sống của con người".
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào tháng trước cho thấy phần lớn cát được sử dụng tại Trung Quốc trong 25 năm qua chủ yếu là cát nhân tạo, được sản xuất bằng cách nghiền và sàng đá hoặc chất thải từ mỏ.
Cụ thể, nghiên cứu này cho thấy Bắc Kinh đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng cát nhân tạo, với tốc độ trung bình 13% hàng năm. Đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng cát tự nhiên chỉ còn ở mức 21% - giảm 80% so với năm 1995.
Những số liệu trên cho thấy những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật cũng như đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với ngành xây dựng, đặc biệt là khi Trung Quốc đang đứng đầu về mức tiêu thụ cát trên thế giới.
Song Shaomin, giáo sư tại Đại học Xây dựng và Kiến trúc Bắc Kinh, cho biết ông không quá ngạc nhiên trước những phát hiện này. Theo chuyên gia này, tỷ lệ cát nhân tạo trên thị trường Trung Quốc hiện có thể đạt gần 90%.
Ông Song cho biết Bắc Kinh đã đẩy mạnh phát triển nhân tạo trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa vượt bậc, đặc biệt là kể từ năm 2010, đã khiến trữ lượng cát tự nhiên dần cạn kiệt.
Sản xuất cát bắt đầu phát triển mạnh khi chính phủ thắt chặt quy định về khai thác cát trên sông vào năm 2016. Cùng vào năm đó, hàng loạt đơn vị thanh tra bảo vệ môi trường được thành lập hướng đến ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép. Kể từ đó, các quy định và chính sách nghiêm ngặt đã được đưa ra để hạn chế khai thác cát tự nhiên.
Ông Song cho biết các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng đã dần cải thiện để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, một số nhà sản xuất cát dọc theo sông Dương Tử đã đạt công suất sản xuất cát hàng năm là 70 triệu tấn trở lên.
“Sự chuyển đổi từ cát tự nhiên sang cát nhân tạo là điều cần thiết đối với một quốc gia đã và đang dồn trọng tâm cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đây cũng là điều cần thiết cho sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc” - ông Song cho biết.
VLXD.org (TH)