Không chỉ doanh nghiệp sản xuất thép nội bị thiệt hại, Nhà nước cũng thất thu một lượng thuế rất lớn do các sản phẩm thép TQ đội lốt này lợi dụng kẽ hở trong chính sách để né thuế.
Thép hợp kim TQ ào ạt vào Việt NamÔng Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) - cho biết tính đến cuối tháng 7, lượng thép hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam (VN) lên tới hơn 1,2 triệu tấn, gấp ba lần so với mức nhập 371.000 tấn của cả năm 2012. Đặc biệt, trong năm tháng đầu năm nay, VN nhập hơn 270.000 tấn thép cuộn có chứa boron (B) từ TQ, cao hơn con số 248.000 tấn thép cuộn TQ được nhập về trong năm 2012. “Sở dĩ lượng thép hợp kim nhập khẩu tăng mạnh, chủ yếu từ TQ, là do các doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng các kẽ hở trong việc quy định tiêu chuẩn thép hợp kim để hưởng thuế suất ưu đãi, một hình thức gian lận thương mại” - ông Nghi nói.
Các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng trong nước hiện đang gặp khó bởi thép cuộn xây dựng đội lốt thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Trần Tuấn Dương - tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát, lượng thép xây dựng TQ đội lốt thép hợp kim hiện chiếm 10-14% thị phần thép tại thị trường VN. Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam bức xúc cho biết nhà máy chỉ chạy 60% công suất, nhưng chỉ tiêu thụ được 70% sản lượng này. Đặc biệt, sản lượng thép tiêu thụ của doanh nghiệp này tại nhiều tỉnh đã sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2012, do không cạnh tranh nổi với thép TQ.
“Mãi lực thấp là một yếu tố, nhưng chuyện bị ảnh hưởng bởi thép TQ là điều chắc chắn do giá thép TQ rẻ hơn 1-1,1 triệu đồng/tấn so với thép nội” - vị này nói. Giải thích chuyện giá thép TQ rẻ hơn thép nội, nhiều doanh nghiệp khẳng định là do thép TQ được hưởng nhiều ưu đãi tại TQ cũng như khi nhập hàng vào VN. Cụ thể, theo quy định, thuế suất nhập khẩu thép hợp kim hiện nay là 0% do trong nước chưa sản xuất được. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu thép TQ còn được hoàn thêm 9% thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.
Vừa được miễn thuế nhập khẩu vào VN, vừa được hoàn thuế nên giá thép nhập khẩu từ TQ về đến cảng VN (sau khi trừ tất cả chi phí) vẫn rẻ hơn thép nội bình quân 1 triệu đồng/tấn. “Trong khi các nhà sản xuất thép trong nước đang chật vật do sức tiêu thụ chưa hồi phục, nay bị thêm thép nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh thế này thì khó khăn càng chất chồng” - ông Dương nói.
Khó tìm cách “trị”?Hiện tượng thép xây dựng đội lốt thép hợp kim từ TQ đổ bộ nhiều sang VN, theo ông Nghi, “là do doanh nghiệp TQ khi xuất khẩu thép hợp kim được hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% và được hoàn thuế giá trị gia tăng 9%”. Do đó, không chỉ có VN là “nạn nhân”, mà hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang rất đau đầu để đối phó tình trạng nói trên.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành thép cho biết các doanh nghiệp TQ rất biết cách tận dụng những kẽ hở có trong quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để “bành trướng” sản phẩm của nước họ sang nước khác. Với thép, việc chỉ pha thêm lượng boron tối thiểu 0,0008% vào thép xây dựng để “biến” thành thép hợp kim ngay trong quá trình sản xuất hoàn toàn không làm thay đổi kết cấu lý tính của sản phẩm và phù hợp với quy định của WTO. “Nếu xét về luật, chúng ta không làm gì được. Và đây cũng là trở ngại lớn nhất trong việc làm sao kiểm soát được lượng thép đội lốt nhập khẩu này” - vị chuyên gia này thừa nhận.
Theo ông Nghi, thời gian qua VSA đã có rất nhiều cuộc họp bàn với Tổng cục Hải quan về các phương án ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại này. Cụ thể, VSA đã chủ động cung cấp các mã HS của nhiều loại thép hợp kim cho cơ quan hải quan. Dựa trên các mã HS này, nếu cơ quan hải quan đối chiếu với tờ khai của doanh nghiệp nhập khẩu thấy có những dấu hiệu bất thường thì có thể kiểm tra ngay từ đầu vào.
Theo ông Nghi, nếu là thép hợp kim thật sự, giá trị nhập khẩu phải từ 900-1.000 USD/tấn, trong khi là thép xây dựng chỉ khoảng 500-600 USD/tấn. “Và không một ai nhập thép hợp kim giá cao để về làm thép xây dựng cả. Điều này hoàn toàn vô lý” - ông Nghi nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Nghi thừa nhận đây chỉ là những giải pháp tình thế. “Vấn đề còn lại vẫn tùy thuộc rất lớn vào các giải pháp khác nữa, mà chỉ có các cơ quan liên quan thông qua nghiệp vụ của họ mới tìm cách giải quyết được” - ông Nghi nói.
Theo Tuổi trẻ