Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh, việc cấp phép khai thác các mỏ cát tự nhiên rất hạn chế, chỉ có 1 mỏ cát, sỏi đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, nhưng công suất cũng rất khiêm tốn. Để dần thay thế nguồn cát tự nhiên đang khan hiếm, góp phần bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước, với lộ trình phấn đấu từ sau năm 2026, trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền thay thế cát tự nhiên, hạn chế khai thác cát lòng sông.
Hưởng ứng chủ trương này, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cát nhân tạo được xay từ đá xây dựng, gồm: HTX Xuân Long tại bãi xay khu vực Bắc Khe Ly, xã Hương Thọ, TP. Huế và Công ty CP ĐTTM Phát triển Trường Sơn tại trạm nghiền Hương Vân, TX. Hương Trà. Dù các đơn vị này đi vào hoạt động đã lâu, song nguồn cát cung cấp cho các công trình vẫn rất hạn chế, tâm lý người sử dụng vẫn dè chừng. Hiện, sản lượng của 2 đơn vị này sản xuất chỉ khoảng 100.000 m³/năm.
Trạm nghiền của Công ty CP Đầu tư TMPT Trường Sơn có công suất thiết kế khoảng 100.000 m³/năm cát nhân tạo.
Ông Hồ Anh Bảo, Tổng Giám đốc Công ty CP ĐTTM Phát triển Trường Sơn cho biết, dự án trạm nghiền của đơn vị có công suất thiết kế khoảng 100.000 m³/năm cát nhân tạo. Sản phẩm bán theo đơn đặt hàng chủ yếu ở các phường, xã làm bê tông hóa nông thôn, còn lại một ít dùng đúc bê tông ống cống, khối lượng tiêu thụ ra thị trường khá khiêm tốn, chỉ khoảng dưới 10.000 m³/năm. Do nhu cầu ít nên doanh nghiệp phải đưa ra sản phẩm mới ra thị trường là cát thô chưa qua tuyển rửa dùng để nong nền và san lấp chống lún cho công trình với giá thành rẻ hơn.
Thực tế giá cát nhân tạo hiện nay không ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ mà do thị hiếu, thói quen của người sử dụng. Để xây dựng dự án trạm nghiền cát nhân tạo tốn rất nhiều kinh phí, máy móc (khoảng 5 tỷ đồng, chưa tính hệ thống xử lý môi trường), trong khi nhu cầu sử dụng ít nên hiện nay doanh nghiệp không mấy mặn mà. Ngoài ra, chưa có cơ chế ưu đãi từ vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp cùng các chính sách khuyến khích khác để hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh nên sản phẩm khó tiếp cận thị trường.
Cũng theo ông Bảo, hiện nay doanh nghiệp đang đề xuất các Sở, ban ngành nên mở rộng phạm vi sản xuất cát nhân tạo cho các đơn vị mua lại phụ phẩm từ đá, nhằm tăng lượng cung và giảm giá thành. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tích cực sử dụng cát nghiền trong lĩnh vực xây dựng nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Xuân Long cũng cho rằng, hiện nay, cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường rộng rãi. Sản phẩm cát nhân tạo được nghiền từ đá đã được cấp có thẩm quyền công nhận hợp quy chuẩn xây dựng công trình, có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn cát tự nhiên, thế nhưng hiện tại ở HTX Xuân Long, công suất thiết kế sản xuất 251.000 m³ cát nghiền/năm, nhưng lượng tiêu thụ bình quân chỉ khoảng 10.000 m³/năm.
Theo kế hoạch triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước do UBND tỉnh quản lý, lộ trình sẽ không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu xử lý nền móng, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp. Các Sở, ngành tập trung khuyến khích các cơ sở khai thác và chế biến đá làm vật liệu xây dựng đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất cát nghiền đảm bảo tiêu chuẩn. Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng nhân tạo đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể đáp ứng nguồn cung cấp số lượng lớn sản phẩm ra thị trường.
Theo đó, triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình vốn Nhà nước do UBND tỉnh quản lý sẽ áp dụng đối với các kết cấu bê tông có mác 200 trở xuống, vữa xây móng, bậc cấp. Khuyến khích chủ đầu tư sử dụng cát nghiền trong các kết cấu bê tông chịu lực của công trình và một số hạng mục khác nhưng phải đảm bảo chất lượng, an toàn. Nghiên cứu các biện pháp giảm các chi phí phát sinh đầu vào để giảm giá thành sản phẩm cát nghiền.
Cũng theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn từ năm 2023 - 2024, đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền, sản lượng đáp ứng và đưa vào sử dụng khoảng 50% nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh (thực hiện đưa vào sử dụng trong các công trình vốn Nhà nước do UBND tỉnh quản lý). Giai đoạn từ năm 2025 trở về sau, quy định sử dụng cát nghiền trong bê tông và vữa xây đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ lệ 80%. Từ sau năm 2026, trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền thay thế cát tự nhiên, hạn chế khai thác cát lòng sông.
VLXD.org (TH/ Báo TT Huế)