Trong những năm qua, việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng về gạch không nung vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ.
Trên địa bàn Hà Nội đang có 18 cơ sở sản xuất VLXKN.
Xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống
Trước năm 2010, việc sản xuất gạch nung bằng lò thủ công trên địa bàn Thành phố Hà Nội phát triển rầm rộ như một nghề truyền thống. Đây là loại sản phẩm vật liệu xây dựng không bị ảnh hưởng, cạnh tranh bởi thị phần và sản phẩm của Trung Quốc, không cần đầu tư nhiều vốn, công cụ sản xuất đơn giản, trình độ lao động phổ thông.
Các lò thủ công xuất hiện nhiều ở các khu vực xa trung tâm Thành phố như các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Vì… Toàn Thành phố tồn tại khoảng trên 1.700 lò gạch thủ công truyền thống.
Trong khi đó, các loại VLXKN (bê tông cốt liệu, bê tông bọt, AAC, tấm tường...) hầu như chưa có cơ sở sản xuất quy mô lớn.
Thực tế chỉ có một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu, bê tông bọt với quy mô nhỏ lẻ của các hộ gia đình tại một số huyện có sẵn nguồn nguyên liệu đá mạt vì gần các mỏ đá.
Đến năm 2010, UBND Thành phố đã tích cực chỉ đạo việc triển khai thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Kết quả là xuất hiện một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu (quy mô công suất từ 5 – 10 triệu viên/năm) và bê tông bọt quy mô nhỏ đi vào hoạt động.
Từ năm 2011 đến nay, sau khi Quy hoạch vật liệu xây dựng của Thành phố được phê duyệt, Hà Nội đã hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống, tạo điều kiện phát triển các loại VLXKN trong giai đoạn 2016 – 2020.
VLXKN nhẹ chưa được sử dụng phổ biến
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 18 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) và 2 cơ sở sản xuất tấm tường, tổng công suất khoảng 385 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm (so với khoảng 975 triệu viên gạch nung/năm). Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp (AAC).
Không những thế, một số cơ sở sản xuất đã không tiếp tục đầu tư dự án làm giảm nguồn cung VLXKN khiến thị trường Hà Nội phải nhập thêm các loại vật liệu này từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh…
Về tình hình sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng, phần lớn sản phẩm VLXKN của các cơ sở sản xuất nêu trên được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.
Các loại VLXKN được sử dụng trong nhiều công trình cao tầng, bao gồm các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các công trình sử dụng vốn Nhà nước như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, một số công trình xây dựng nông thôn mới hay nhà ở xã hội sử dụng 100% gạch không nung, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.
Tuy nhiên, các loại VLXKN được sử dụng chủ yếu là gạch không nung loại nặng (gạch xi măng cốt liệu đá mạt). Các loại VLXKN nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến trong một số công trình dân dụng.
Một số doanh nghiệp còn cân nhắc khi sử dụng trong các công trình nhà ở thương mại cao cấp. Tại khu vực nông thôn, các hộ gia đình hầu như chỉ sử dụng gạch bê tông cốt liệu để xây dựng các công trình phụ, tường rào hay khu chăn nuôi.
(còn nữa)
VLXD.org (TH)