Giá cát tăng phi mã
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đang mua thêm ít bao xi măng, cát, sắt... để cất nhà bếp. Thế nhưng, giá vật liệu cát, đá, xi măng đều tăng khá mạnh, trong đó giá cát có mức tăng mạnh nhất. Theo tính toán của gia đình, chi phí xây dựng đội lên khoảng 20 - 30% so với dự tính ban đầu.
Mới đầu, tôi tính cất nhà khoảng 20 triệu đồng thôi là đủ, tại năm nay kinh tế khó khăn không làm gì ra được tiền. Ra tiệm vật liệu xây dựng hỏi, thấy giá cao quá, nên thấy ngán nhưng cũng phải bấm bụng mua về sử dụng. Nhân công nhà cũng đỡ được một phần, chứ thuê mướn luôn là không còn tiền để làm, bà Hương bộc bạch.
Vật liệu xây dựng tăng giá, không chỉ người dân lo lắng, mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư các công trình xây dựng cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí thua lỗ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, thời gian qua, các đơn vị huy động tổng lực phương tiện và nhân lực gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp bàn giao cho chủ đầu tư theo cam kết. Tuy nhiên, cát khan hiếm dẫn đến nhiều dự án bị chậm lại so với kế hoạch ban đầu. Nhiều người muốn mua nhưng không có hàng vì nguồn cung cát bị đứt gãy.
Ông Hà Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Cường, thông tin, khó khăn lớn nhất của các đơn vị nói chung là nguồn cát. Tuy vậy, để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đơn vị thi công đã đi gom, mua của các vựa. Tuy giá cát rất cao nhưng phải chấp nhận.
Ghi nhận ở các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cho thấy, giá cát sắp tới sẽ tiếp tục tăng nữa vì nguồn cung đang khan hiếm. Thậm chí nhiều người phải mua cát Campuchia về san lấp nền, vì tìm nguồn cát trong nước đang eo hẹp. Các doanh nghiệp xây dựng, san lấp mặt bằng dự án, cửa hàng vật liệu cũng “khó khăn trăm bề” vì giá cát tăng cao và khan hiếm. Cụ thể, cát nền san lấp giá khoảng 310.000 đồng/m³, riêng cát xây, tô có giá khoảng 380.000 đồng/m³, tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/m³ so với cách đây khoảng 1 tháng. Giá vật liệu xây dựng tăng, chưa kể chi phí vận chuyển, đang làm khó người dân và doanh nghiệp thời điểm này.
Theo nhiều chủ vựa vật liệu xây dựng, nhu cầu vật liệu xây dựng những tháng cuối năm dự báo sẽ còn nhiều biến động. Chị Lê Hồng Trinh, Cửa hàng vật liệu xây dựng Thuận Thiên, ở huyện Châu Thành A, cho biết, cát cung rất khan hiếm do nguồn ở An Giang bị gián đoạn nên đơn vị phải nhập nguồn cát từ Campuchia nên giá thành cao. Mỗi khối cát trên 300.000 đồng, tăng nhiều so với trước đây tại vì cát sông trước rẻ hơn nhiều. Trước đây, giá cát chỉ 200.000 đồng, riêng đá vẫn ổn định. Thị trường rất chậm, do người dân ngán ngại, doanh số bán ra cũng giảm dần. Giá thép với xi măng có xu hướng giảm.
Không để thiếu cát các dự án trọng điểm
Đối với những dự án trọng điểm như các tuyến cao tốc đang được triển khai ở địa bàn ĐBSCL, trong đó có 2 tuyến qua địa bàn tỉnh Hậu Giang việc thiếu hụt nguồn cát khiến công trình gặp nhiều khó khăn. Do đó, đầu tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về hỗ trợ cát cho địa phương phục vụ dự án cao tốc qua địa bàn. Để đảm bảo nguồn cát cho dự án, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép đơn vị thi công triển khai các thủ tục khảo sát, thăm dò, lập hồ sơ khai thác mỏ cát; xem xét, hỗ trợ bố trí trong năm 2023 khoảng 200.000m³.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là thiếu cát để phục vụ cho các tuyến đường cao tốc. Ông Đồng Văn Thanh giao đơn vị tư vấn, cùng địa phương đánh giá chất lượng, trữ lượng, báo cáo tỉnh Vĩnh Long có phương án hỗ trợ. Đồng thời, thống nhất phương án khai thác phù hợp, tinh thần làm nhanh, kịp thời theo tiến độ của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ ban hành. Các bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cũng liên quan đến nguồn cát phục vụ dự án cao tốc, mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ bàn giao hồ sơ vị trí, trữ lượng khai thác mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường của 4 mỏ cát cho 4 nhà thầu để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 đoạn là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) với tổng trữ lượng khoảng 3,2 triệu m³.
VLXD.org (TH/ Báo Hậu Giang)