Cần kiên quyết xử lý mạnh tay đối với những hoạt động khai thác cát trái phép.
Có thể thấy, thời gian qua việc khai thác cát và khoáng sản sa khoáng đã tạo thành những tâm điểm chú ý của báo chí và dư luận xã hội. Mở đầu cho hàng loạt những “ầm ĩ” là vụ bảo kê “cát tặc” trên sông Lô, sau đó là những vụ khai thác cát trái phép trên sông thuộc địa phận các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định… được báo chí phản ánh gần đây.
Những hoạt động khai thác cát và khoáng sản trái phép không những gây thất thoát tài nguyên, làm thay đổi dòng chảy các tuyến sông mà còn gây sạt lở đê điều, ruộng vườn, đất đai của nhân dân. Để xảy ra tình trạng này, trước hết phải đặt dấu chấm hỏi cho chính quyền cơ sở về trách nhiệm quản lý và công tác xử lý vi phạm.
Đối với công tác quản lý VLXD, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 124/2007/NĐ-CP về quản lý VLXD. Theo đó các hành vi bị cấm trong khai thác và sản xuất VLXD đã được quy định rất cụ thể như: Cấm sản xuất, kinh doanh hàng giả; giả mạo nhãn mác, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy của VLXD; nhập khẩu, kinh doanh các VLXD nhập khẩu không có tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ không rõ ràng, cung cấp thông tin sai sự thật về chất lượng, xuất xứ sản phẩm VLXD; các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, khoáng sản làm VLXD thông thường không có giấy phép khai thác. Nghiêm cấm các hoạt động khai thác đất nông nghiệp, cát sông làm VLXD không theo quy hoạch, sản xuất, kinh doanh, sử dụng sợi amiăng nhóm amfibole để sản xuất VLXD.
Cấm đầu tư các công trình xây dựng kiên cố không nhằm mục đích khai thác mỏ, trên diện tích khu mỏ đã được quy hoạch thăm dò, khai thác làm VLXD, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Không lợi dụng hoạt động quản lý để cản trở bất hợp pháp hoạt động của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, sản xuất, kinh doanh VLXD.
Đối với UBND các tỉnh phải, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động trong lĩnh VLXD. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực VLXD, theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình về hoạt động trong lĩnh vực VLXD tại địa phương...
Nhằm từng bước đưa việc quản lý VLXD vào “quỹ đạo” theo quy hoạch chung, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BXD về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm VLXD, theo đó các loại khoáng sản bị cấm xuất khẩu gồm: Đá vôi; phụ gia nằm trong quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng; đá thuộc các mỏ tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; đá khối; cát nhiễm mặn; cát xây dựng (cát tự nhiên); cuội; sỏi các loại; felspat (trường thạch) và các loại đất sét; đất đồi.
Theo ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Việc cấm xuất khẩu các loại khoáng sản làm VLXD nói trên là cần thiết (trừ trường hợp được Chính phủ cho phép) để ưu tiên, đảm bảo nhu cầu trong nước. Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải tuân thủ những quy định của Nhà nước về thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản làm VLXD. Tránh xảy ra tình trạng khai thác ồ ạt, thất thu nguồn ngân sách Nhà nước.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 5744/VPCP-KTN truyền đạt ý
kiến của Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Hoàng Trung Hải về quản lý khai thác
VLXD, theo đó Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng
cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác, sản xuất VLXD
thông thường và nhập khẩu nhựa đường. Chỉ đạo này nhằm tạo thị trường
cung ứng và tiêu thụ VLXD một cách lành mạnh, đáp ứng nhu cầu xây dựng
các công trình kết cấu hạ tầng trên các địa phương cả nước.
|
Theo baoxaydung