Sức ép đang gia tăng đối với ThyssenKrupp - hiện đang nỗ lực khắc phục tình hình tài chính khó khăn bằng cách huy động các nguồn vốn mới, khi các cuộc đàm phán về việc bán các nhà máy làm ăn thua lỗ của hãng vẫn tiếp diễn.
Với các kết quả hàng quý sắp được công bố, dường như ThyssenKrupp chưa thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong ngắn hạn, bất chấp mục tiêu của hãng đặt ra là cuối tháng Chín này.
ThyssenKrupp dự kiến lợi nhuận ròng của họ trong quý 2/2013 sẽ giảm 46% so với cùng kỳ năm 2012 xuống 58,5 triệu euro (78,7 triệu USD).
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ThyssenKrupp nhấn mạnh hãng vẫn có 8 tỷ euro (10,76 tỷ USD) tiền mặt và các nguồn tín dụng chưa sử dụng nhưng các nhà phân tích cho biết các kết quả hàng quý có thể cho thấy vi phạm một số hợp đồng tín dụng, tiếp tục thu hẹp nguồn vốn sẵn có.
Tính đến cuối tháng Ba vừa qua, ThyssenKrupp có 5,3 tỷ euro (7,13 tỷ USD) nợ ròng và giá cổ phiếu của ThyssenKrupp sụt giảm, dẫn tới việc công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ thấp xếp hạng tín nhiệm của hãng xuống mức "không đáng đầu tư" vào đầu năm nay.
Trong khi đó, công ty Cia. Siderurgica Nacional (Brazil) được coi là khách hàng tiềm năng nhất để mua lại Steel Americas nhưng giá cả là một vấn đề phải suy nghĩ.
Các nhà phân tích ước tính ThyssenKrupp có thể bán Steel Americas với giá ít nhất là 2,3 tỷ euro (3 tỷ USD), thấp hơn nhiều giá trị sổ sách của cơ sở này là 3,4 tỷ euro (4,57 tỷ USD).
Theo các nhà kinh tế, Giám đốc điều hành ThyssenKrupp Heinrich Hiesinger có thể phải đau đầu với cả thương vụ bán Steel Americas và tình hình tài chính của hãng và rõ ràng là ông đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan."
Cho đến khi bán được các nhà máy thép, ThyssenKrupp sẽ phải nỗ lực để thuyết phục các nhà đầu tư tham gia kế hoạch tăng vốn của hãng - dự kiến vào khoảng 0,75-1 tỷ euro (1-1,34 tỷ USD)./.