Trên lĩnh vực gạch ốp lát, lượng hàng lậu từ Trung Quốc không những không giảm đi sau những đợt truy quét của cơ quan chức năng, mà có nguy cơ gia tăng. Không chỉ gạch ốp lát, với các mặt hàng như sứ vệ sinh, gạch trang trí, hàng Trung Quốc cũng tràn ngập từ thành phố đến nông thôn.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng cho biết, hiện các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng chỉ chạy từ 50 - 80% công suất, thậm chí có nhà máy chỉ chạy 30% công suất, nhưng tồn kho vẫn cao, ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp. Để gỡ khó, Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ và Bộ Xây dựng có chế tài đối với những công trình sử dụng vốn ngân sách phải dùng vật liệu xây dựng trong nước. Tuy nhiên, việc này cũng không mấy khả quan do thị trường bất động sản, xây lắp chưa được phục hồi.
Trên lĩnh vực gạch ốp lát, Prime, nhà sản xuất gạch ốp lát hàng đầu của Việt Nam với 20% thị phần đã phải bán lại 85% cổ phần (khoảng 5.000 tỷ đồng) cho Tập đoàn Siam (SCG) Thái Lan. Trong khi đó, các tên tuổi khác trong làng gạch Việt Nam như Đồng Tâm, Taicera, CMC, Viglacera… cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với gạch nhập khẩu, nhất là gạch Trung Quốc.
Không chỉ là nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất thế giới với thị phần chiếm gần 80% thị phần gạch ốp lát thế giới, mà gạch Trung Quốc còn có mẫu mã bắt mắt, đa dạng về chủng loại và đặc biệt là giá rẻ. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là chất lượng của các sản phẩm này lại bị nhiều người tiêu dùng bỏ qua.
Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết, trong tổng kim ngạch nhập khẩu gần 58 triệu USD của gạch ốp lát năm 2012, thì hơn 47 triệu USD được nhập từ Trung Quốc. Với ngành sứ vệ sinh, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt gần 9 triệu USD trong tổng kim ngạch khoảng 13,6 triệu USD. Đó là chưa kể lượng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch và nhập lậu.
Các sản phẩm vật liệu xây dựng ngoại đang chiếm dần miếng bánh thị phần của các doanh nghiệp nội.
Trên lĩnh vực gốm sứ xây dựng, các thương hiệu lớn của Việt Nam như Vigacera cũng không thể lấn lướt các tên tuổi ngoại như TOTO, LINAX, Caser. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Viglacera đang đẩy mạnh xuất khẩu và liên kết xây dựng nhà ở xã hội. Về xuất khẩu, Viglacera đã đạt được một số thành công trong những năm qua và hiện đang mở rộng sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trong khi đó, về liên kết trong các dự án nhà ở xã hội chưa thể có kết quả sớm, bởi gốm sứ xây dựng hay gạch ốp lát là nhóm hàng tham gia ở khâu cuối cùng của công trình, trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội hiện mới được triển khai, nhiều dự án khác vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn khởi công, thậm chí đang trong quá trình hoàn thành thủ thục pháp lý.
Với ngành xi măng, dù khó khăn tác động nhiều tới nhiều nhà máy, nhưng các doanh nghiệp ngành này lại được gỡ khó bởi hoạt động mua mua bán sáp nhập (M&A). Các thương vụ M&A điển hình trong ngành xi măng thời gian qua như Tập đoàn Vissai mua lại Nhà máy Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) từ Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma); Tập đoàn Xi măng Semen Gresik Indonesia mua lại Xi măng Thăng Long; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) mua Xi măng Áng Sơn 2 và 76% cổ phần của Xi măng miền Trung…
Ngoài ra, với nhiều chiến lược và hướng đi mới như xuất khẩu, tiêu thụ trong dân, tung ra sản phẩm mới có chất lượng tốt, nhưng giá rẻ hơn với xi măng truyền thống…, giúp lượng tiêu thụ xi măng dần được cải thiện hơn trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, dù lượng tiêu thụ có nhích dần, nhưng khó khăn của ngành này vẫn còn nhiều, trong khi đó, giá điện cho xi măng lại vừa được tăng thêm khiến ngành xi măng phải tốn thêm khoảng 200 tỷ đồng chi phí cho những tháng còn lại của năm, đẩy ngành này càng khó khăn thêm.
Không giống xi măng còn kỳ vọng ở mua bán, sáp nhập, ngành thép lại bị điêu đứng bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Trong khi đó, vốn là ngành có chi phí tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm cao như xi măng, ngành thép cũng vừa chịu giá điện tăng thêm, đẩy chi phí của ngành này tăng cao và khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc và các nước ASEAN càng thấp. Nhiều công ty đã không còn mặn mà với việc sản xuất, mà chuyển hướng sang nhập khẩu để bán.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Pomina cho biết, việc tăng giá điện cho ngành thép và xi măng mà không dựa trên những tính toán cụ thể sẽ đẩy các công ty sản xuất trong nước khó chồng khó.
Thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam đang chứng kiến sự “ra đi” của các thương hiệu Việt. Dạo quanh các cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP. HCM, Hà Nội hay các tỉnh thành khác, sự lấn sân của các nhãn hiệu ngoại đang ngày càng rõ rệt.
Theo ĐTCK